Tăng cường bảo vệ chuỗi sản xuất

Hà Nội có hơn 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với gần 2,7 triệu lao động.

Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Một nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19, là bảo đảm hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Bảo đảm "ba tại chỗ"

Hiện thành phố có chín khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút 660 dự án đầu tư với hơn 160 nghìn lao động, hơn 80% là lao động ngoại tỉnh. Ðiều đó đặt ra áp lực không nhỏ trong quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay: Từ giữa tháng 5/2021, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã xây dựng "Kịch bản tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định quan hệ lao động trên địa bàn thành phố trong tình hình mới", theo đó đã đưa ra các mức độ của tình hình dịch bệnh và đề xuất các giải pháp cụ thể, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Từ tháng 5/2021 đến nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập được hơn 11.150 "Tổ an toàn Covid-19" tại 4.148 doanh nghiệp với gần 50.000 thành viên tham gia.

Ở các đơn vị, doanh nghiệp, những nơi trực tiếp diễn ra hoạt động sản xuất đang căng mình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, chủ động mua sắm trang thiết bị, máy đo thân nhiệt, kiểm soát chặt người ra - vào cơ quan. Ðại diện Công ty TNHH Thời trang Star, đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện đơn vị có hơn 6.000 cán bộ, công nhân cho nên rất nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch, bố trí phòng cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở; bố trí khu vực rửa tay bằng xà-phòng, dung dịch sát khuẩn tại các vị trí trước, trong và sau khi vào làm việc.

Công ty cổ phần Xích líp Ðông Anh (đóng trên địa bàn huyện Ðông Anh) đã xây dựng hơn 100 "Tổ an toàn Covid-19" tại các ca làm việc ở từng phân xưởng. Công ty cũng thành lập Ban chỉ đạo, khi có thông tin về ca nhiễm hoặc nguy cơ, các tổ báo cáo ngay với Ban chỉ đạo để có biện pháp xử lý.

Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly; lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất. Nếu không có phương án bảo đảm "ba tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ), doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về việc dừng hoạt động sản xuất khi có dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hằng ngày và cập nhật trên hệ thống covid.hiza.hanoi.gov.vn; antoancovid.vn, thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của cơ quan chuyên môn; chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca làm việc phù hợp…".

Thành lập các tổ ứng phó khẩn cấp

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ban hành Văn bản số 2242/LÐTBXH/TLÐ/PTM ngày 14/7/2021 hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp yêu cầu của chính quyền địa phương; địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại doanh nghiệp để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do doanh nghiệp tổ chức thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung.

Ðối với người sử dụng lao động: doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ theo phương án giãn cách, chia ca kíp bảo đảm an toàn; bảo đảm điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung); bảo đảm chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động. Doanh nghiệp cũng nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng bảo đảm đủ xét nghiệm hai lần cho toàn bộ người lao động có mặt tại doanh nghiệp…

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổ có nhiệm vụ phối hợp Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, nắm số lượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch; chủ động nắm bắt, tiếp nhận và tham mưu xử lý kịp thời thông tin về nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người lao động về sự hỗ trợ; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đoàn viên khi bị cách ly, nghỉ việc.

Tổ đề xuất địa điểm, phương án đặt các "Siêu thị 0 đồng", các điểm trung gian tiếp nhận cung cấp hàng thiết yếu phục vụ người lao động phù hợp tình hình.

DIÊN KHÁNH