Sẽ phân cấp, phân quyền tối đa

Với chủ trương chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới, đòi hỏi cách tiếp cận mới trong mối quan hệ giữa chống dịch và sản xuất.

Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa được tổ chức vào cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần người dân, gần doanh nghiệp hơn nữa. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã có hàng nghìn doanh nghiệp tại điểm cầu trung tâm Văn phòng Chính phủ và đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố, các điểm cầu bộ, ngành tham gia đối thoại với Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư tới nay, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Chính phủ cũng cho thấy, sự quyết liệt, nhanh chóng trong ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Đáp lại những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về việc tạo sự cân bằng giữa chống dịch và sản xuất, Thủ tướng nêu rõ, nếu phòng dịch tốt, không phải chống dịch. Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh, việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong. Việc phòng, chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân.

Một lần nữa, vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế trở thành tâm điểm của cuộc đối thoại. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ, ngành hết sức quan tâm. Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ.

Hiện nay, các cơ quan quản lý đang chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Luật Đầu tư với phương thức đối tác công - tư, lúc này doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Nhấn mạnh quan điểm "những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm", Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư trong một số lĩnh vực như đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế...

Thông điệp xuyên suốt được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại Hội nghị: "Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công - tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống".

Khó khăn còn rất nhiều, nhưng chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới cũng là hành trình buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay.