Quyết tâm thúc đẩy đầu tư công

"Khai thác công trình sớm một ngày thì nhân dân hưởng lợi một ngày", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi đi thị sát dự án sân bay Long Thành đầu tháng 2. Đây là một trong hai dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú bật" đầu tư công, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Công trường thi công tuyến cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu. Ảnh: Huy Hùng
Công trường thi công tuyến cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu. Ảnh: Huy Hùng

Trọng điểm cũng… chậm

Rất dễ hiểu vì sao dự án sân bay Long Thành, chính xác hơn là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lại nhận được sự quan tâm đến vậy của người đứng đầu Chính phủ.

Dự án sân bay Long Thành có tổng số vốn khoảng 5 tỷ USD (110.000 tỷ đồng), với nhiều dự án thành phần. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng kinh phí 22.856 tỷ đồng. Xem xét toàn diện dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan; việc tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa xứng tầm một công trình trọng điểm quốc gia. Đến nay vẫn còn gần 600 ha mặt bằng chưa được giải tỏa, bàn giao. Nếu cứ cách làm như vậy sẽ không đạt được mục tiêu đến năm 2025 khánh thành giai đoạn 1 dự án.

So sánh với dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông, chỉ trong hai năm đã bàn giao gần như toàn bộ mặt bằng (khoảng 500.000 ha, đạt tỷ lệ 98,8%), Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tỏ ra rất bức xúc: "Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành hiện là một vấn đề lớn".

Tuy vậy, cũng theo báo cáo tổng hợp của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ này, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông cũng có những vấn đề. Hiện nay, có 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng. Lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt hơn 16.800 tỷ đồng/ 56.709 tỷ đồng, tương đương 29,7%. Có 7/11 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Bốn dự án còn lại chậm so yêu cầu. Trong hai tháng đầu năm vừa qua, các dự án thuộc Bộ giải ngân đạt 4,4%, thấp hơn mức bình quân chung 9% của cả nước. Các đoạn đi qua ba tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, đều chậm so kế hoạch…

Phải rõ địa chỉ trách nhiệm

Nhìn từ hai dự án trọng điểm, có thể thấy nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng đang đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước đến hết tháng 2 đạt 8,03% kế hoạch-cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn khá thấp so kỳ vọng. Trong đó, giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022 đạt 2,8% kế hoạch. Đối với vốn bố trí cho năm 2022, hiện có bảy bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 15% như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%); Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%). Tuy nhiên, vẫn còn tới 47/52 bộ và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước.

Tại phiên họp Chính phủ gần nhất, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khó khăn chủ yếu do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo theo hướng cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình trước; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau. Tuy nhiên, đối với đầu tư công, do phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và quyết định trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương, nên về cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 mới có thể triển khai được các gói đầu tư.

Song, khẩn trương phân bổ vốn đầu tư mới chỉ là tiền đề. Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong chuyến thị sát dự án sân bay Long Thành, đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cần cụ thể hóa địa chỉ trách nhiệm để xử lý tổ chức, cá nhân chây ỳ, kém năng lực; thay thế các nhà thầu chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Kiên quyết chuyển vốn cho người làm hiệu quả

Thực hiện đúng chỉ đạo đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải và Bộ trưởng Xây dựng-hai lĩnh vực tiếp nhận đầu tư công vào loại lớn nhất-đều đã ban hành những chỉ thị và công điện với nội dung rất kiên quyết. Tại Chỉ thị số 01/CT-BXD, Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ, đến hết ngày 31/1/2023 các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Bộ Xây dựng sẽ cắt giảm số vốn không giải ngân hết đối với các dự án đến ngày 30/9/2022 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao để điều chuyển, bổ sung thanh toán cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành; đồng thời sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Về phía người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, cũng đã ký công điện yêu cầu đẩy nhanh
tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, mục tiêu giải ngân kế hoạch tổng thể các dự án của Bộ trong năm 2022 là hết tháng 12 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến ngày 31/1/2023 phấn đấu giải ngân 100%.

Để về đích đúng hạn, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý đối với từng dự án, báo cáo Bộ chậm nhất 30 ngày sau khi nhận được quyết định giao kế hoạch làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Đáng nói, cũng theo công điện này, kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn…

Cuối cùng, sẽ không thừa khi nhắc lại rằng, trong bối cảnh tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 là rất lớn, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải đi đôi bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.