PCI - Thước đo môi trường kinh doanh

Sự tham gia của doanh nghiệp (DN) vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách là yếu tố căn bản cho quản trị kinh tế tốt. Bởi DN không đơn thuần chỉ là đối tượng thụ hưởng kết quả của hoạt động quản trị - điều hành kinh tế mà DN còn là đối tác của chính quyền và có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến, cải cách ở các địa phương.

Biểu đồ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020.
Biểu đồ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020.

Chỉ số của hành động

Vào thời điểm năm 2005, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng với kỳ vọng trở thành một kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và DN để phản ánh sâu sắc và cụ thể hơn "tiếng lòng" của DN về các vấn đề quản trị - điều hành kinh tế địa phương. Thực tế sau 16 năm triển khai, PCI đã đáp ứng xuất sắc kỳ vọng lớn lao này.

PCI đã trở thành biểu tượng của sự cầu thị và lắng nghe của hệ thống chính quyền các tỉnh, thành phố. Có thể nói PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy khi giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển DN. Mặt khác PCI cũng chung tay đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền các tỉnh, thành phố với khu vực kinh tế tư nhân. DN và chính quyền hiện nay là những đối tác của nhau trong phát triển kinh tế. Sự thịnh vượng của DN là sự thịnh vượng của địa phương. Sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam là sự phát triển kinh tế của đất nước.

PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ðó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Ðó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua.

Ðơn cử như mô hình "Cà-phê doanh nhân" khởi nguồn từ Ðồng Tháp hay "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị" đang được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh là những mô hình điển hình. Những mô hình này hiện đã được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước học tập và áp dụng. PCI cũng tạo cảm hứng và góp phần thúc đẩy các mô hình khác tại cấp tỉnh như Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho DN, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, hay bác sĩ DN…

Báo cáo PCI 2020 ra đời trong một bối cảnh đặc biệt khi trong năm qua cộng đồng DN và hệ thống chính quyền phải căng sức để đối phó với đại dịch Covid-19, một thảm họa y tế nghiêm trọng toàn cầu, tác động tiêu cực và trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN. Không chỉ có Covid-19, năm 2020 cũng có những "khoảng lặng" do thảm họa thiên tai dữ dội tại các tỉnh miền trung gây ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, DN. Ðứng trước thảm họa kép đó, chúng ta đặc biệt trân trọng những cố gắng của chính quyền các tỉnh, thành phố trong ứng phó thảm họa; chúng ta cũng thông cảm và đặc biệt tự hào vì tinh thần tự cường, ý chí vượt lên nghịch cảnh của cộng đồng DN cả nước. Họ thật sự là những người "anh hùng", là gương mặt tiêu biểu trong phát triển kinh tế của đất nước năm vừa qua. Dù gặp muôn vàn khó khăn và thách thức, 12.295 DN đã tham gia khảo sát PCI 2020, trong đó gồm 10.731 DN tư nhân Việt Nam và 1.564 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết quả PCI trong những năm vừa qua cũng chỉ ra một số xu hướng quan trọng của chất lượng điều hành kinh tế địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm gần đây, DN Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và cầu thị của chính quyền các tỉnh, thành phố. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được ghi nhận đã giảm xuống - một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016. Bên cạnh đó, DN cũng có niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Tỷ lệ DN tin tưởng vào các công cụ, thiết chế của tòa án tăng lên trong khi DN tiếp tục đánh giá tốt hơn về an ninh trật tự chung tại địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế từng gây nhức nhối nhiều năm trước đây nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước. Dù vậy, Báo cáo PCI 2020 cũng chỉ ra những thành tựu cải cách hành chính trong những năm vừa qua là không đồng đều giữa các lĩnh vực.

Tăng cường chất lượng thực thi chính sách

Quan sát chỉ số PCI qua các năm, có thể thấy, hoạt động cải cách cần tiếp tục được chú trọng ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. DN đồng thời kỳ vọng chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động. Báo cáo PCI 2020 đồng thời nêu ra vấn đề hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách chưa như kỳ vọng của nhiều địa phương. Do đó, tăng cường chất lượng thực thi chính sách, đặc biệt ở cấp cơ sở, là yếu tố cần được các địa phương chú trọng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Báo cáo PCI năm nay cũng dành một chương riêng đặc biệt để phân tích về tác động của Covid-19 tới DN Việt Nam. Covid-19 đã tạo ra tác động tiêu cực trên diện rộng đến DN trên toàn quốc. Ðiểm tích cực là DN Việt Nam luôn phát huy được tinh thần tự lực, tự cường để ứng phó khủng hoảng. Nhất là DN cũng có sự tin tưởng và đồng lòng với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp. Trong "giông bão" của dịch bệnh, Việt Nam không chỉ phòng, chống dịch hiệu quả mà còn thuộc số ít các nền kinh tế duy trì được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Việt Nam cũng tiếp tục là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài theo kết quả khảo sát hơn 1.500 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ điều tra PCI.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, và là năm khởi đầu Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Trong "buổi bình minh" của Chính phủ mới với bộ máy gồm nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng rất thành công trong điều hành kinh tế ở cấp địa phương, chúng ta kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tiếp bước khát vọng cải cách của Chính phủ tiền nhiệm, quan tâm hơn nữa đến môi trường kinh doanh ở các địa phương và hoàn thiện tốt hơn các chương trình hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như xây dựng một tầm nhìn chiến lược để phát triển DN Việt Nam xứng tầm thế giới.

ÐẬU ANH TUẤN

Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Chương trình PCI