Ðồng lòng gỡ khó tiêu thụ hàng hóa

Tuy việc cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam bước đầu được "mở nút", nhưng ở khâu lưu thông vẫn tồn tại điểm nghẽn bởi sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa bộ, ngành, địa phương.

Lái xe khi đủ điều kiện đi qua điểm chốt kiểm tra, được lực lượng chức năng hướng dẫn đi đúng làn đường. Ảnh: NGÔ NHUNG
Lái xe khi đủ điều kiện đi qua điểm chốt kiểm tra, được lực lượng chức năng hướng dẫn đi đúng làn đường. Ảnh: NGÔ NHUNG

Vận chuyển làm khó… tiêu thụ

Ðánh giá về thị trường tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, tình hình cung ứng lương thực cho TP Hồ Chí Minh đang dần ổn định hơn. Hiện đã có 388 đầu mối tiêu thụ nông sản đăng ký để cung ứng lương thực cho TP Hồ Chí Minh và sản lượng hàng hóa cung cấp đến ngày 31/7 được dự báo là dồi dào, thậm chí có dấu hiệu thừa. Khó khăn trong tiêu thụ nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,5 triệu tấn gạo ra thị trường; sản lượng rau màu toàn miền nam dự kiến từ nay đến cuối năm là 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng; sản phẩm thịt, vựa heo Ðồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 10.000 con, trong đó tiêu thụ nội tỉnh chỉ hơn 1.300 con (15%), còn lại xuất ra thị trường các tỉnh phía nam và TP Hồ Chí Minh (85%)... Theo số liệu từ các doanh nghiệp trên địa bàn, lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định, nhưng nhu cầu tiêu thụ có giảm so với trước thời gian thực hiện giãn cách.

Về tiêu thụ, Tổ công tác đã trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Mặt khác các tỉnh cũng đã vào cuộc chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong vận chuyển, xét nghiệm nhanh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến các địa phương thu mua hàng hóa...

Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu thiếu hàng hóa cục bộ trong hệ thống các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh phía nam do đứt gãy chuỗi vận chuyển... "Hiện, Tổ công tác không chỉ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ mà còn nỗ lực kết hợp với các tổ công tác của bộ, ngành khác tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, lưu thông nông sản do vướng các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19", Thứ trưởng Nam nhận định.

Trước việc các doanh nghiệp than khó khi vận chuyển những hàng hóa không thuộc vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hay những tranh luận về "hàng thiết yếu" khiến nhiều Sở Giao thông vận tải lúng túng khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR Code), ngày 27/7, Bộ Công thương có công văn hỏa tốc gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố hướng dẫn danh mục hàng hóa thiết yếu để được lưu thông trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông như điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hoá cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh.

Ðề xuất gỡ bỏ "giấy phép con"

Ðể sớm giải quyết những vướng mắc làm khó khâu vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin, UBND các tỉnh, thành phố cần căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.

Riêng việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giấy tờ kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương sẽ cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch phối hợp khảo sát thực địa để mở các điểm tập kết nông sản, thực phẩm giữa các địa phương, từ đây sẽ trung chuyển về các chợ đầu mối, các chợ truyền thống sau khi bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, tránh tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa như hiện nay. "Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại online và sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác để kịp thời gỡ khó những vướng mắc trong lưu thông, tiêu thụ nông sản", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết.

Sau khi TP Hồ Chí Minh có Chỉ thị hạn chế người dân không được ra đường sau 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh đồng loạt điều chỉnh giờ hoạt động, đóng cửa trước 17 giờ hằng ngày. Một thí dụ ở quận 1 cho thấy sự nhanh nhạy của lãnh đạo Ủy ban khi triển khai ngay các giải pháp cung ứng hàng hóa tới tay người dân như: tổ chức để UBND các phường phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng hỗ trợ cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân qua hình thức "đi chợ thay", chuyển hàng hóa trực tiếp đến từng hộ dân trong khu vực phong tỏa. Ðồng thời, quận tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng hóa cho người dân thông qua phương thức bán hàng đăng ký trước, bán hàng đồng giá…

Với sự vào cuộc khẩn trương của bộ, ngành, cùng với những giải pháp, sáng kiến của địa phương như UBND quận 1, trong thời gian tới, hy vọng những khó khăn sẽ được tháo gỡ. Và với sự đồng lòng, sẻ chia của nhân dân cả nước, 19 tỉnh, thành phố phía nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo công văn ngày 27/7 của Bộ Công thương, danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gồm bốn nhóm: Nhóm thực phẩm (nước uống, thực phẩm chức năng, thịt và sản phẩm từ thịt, ngũ cốc, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau củ quả…); Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…); Nhóm nhiên liệu, năng lượng (xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…); Nhóm các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.