Niềm tin kinh doanh trở lại

Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều tăng trong bốn tháng đầu năm 2021 có thể là chỉ dấu cho sự ổn định trở lại trong kế hoạch kinh doanh của nhiều DN. Đây là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Niềm tin kinh doanh trở lại

Kỷ lục thời Covid
 
 Trong báo cáo về tình hình DN tháng 4 và bốn tháng đầu năm của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - QLĐKKD (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thông tin về sự tăng mạnh của DN thành lập mới được đưa lên đầu. Theo đó, số DN thành lập mới trong bốn tháng đầu năm 2021 là 44.166 DN, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2020. “Đây là số DN thành lập mới cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua mức kỷ lục 43.305 của giai đoạn bốn tháng đầu năm 2019”, Cục QLĐKKD nhận định.
 
 Đáng nói là kỷ lục không chỉ dừng lại ở số lượng DN. Tổng hợp của Cục QLĐKKD cũng ghi nhận số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong bốn tháng này cũng có mức tăng mạnh, tăng 41% so cùng kỳ năm 2020, đạt 627.721 tỷ đồng. Đây cũng là số vốn đăng ký mới cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm từ trước đến nay. Cùng với gần 15 nghìn DN đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong bốn tháng đầu năm 2021, nền kinh tế đã nhận thêm 1.420.581 tỷ đồng (tăng 26,1% so cùng kỳ năm 2020). Cũng trong bốn tháng đầu năm, số DN quay trở lại hoạt động là 19.256 DN , tăng 8% so cùng kỳ năm 2020.
 
 Tuy thế, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN vẫn hiện hữu. Có thể thấy rõ điều này khi phân tích số liệu về DN tạm ngừng kinh doanh. Trong bốn tháng đầu năm, số DN tạm nghỉ để nghe ngóng tình hình là khoảng 28,3 nghìn DN, tăng 24,9% so năm ngoái và tăng ở tất cả ngành nghề, lĩnh vực được theo dõi. Trong số này, tính về số lượng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số DN tạm ngừng thuộc nhóm cao nhất, hơn 800 DN, tiếp sau đó là giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, đều hơn 600 DN. Phần lớn trong số này là các DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, có hoạt động dưới 5 năm. Số DN giải thể, chấm dứt hoạt động trong bốn tháng này vẫn tăng tới 32,2% so cùng kỳ năm ngoái.
 
 Song, theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng QLĐKKD, những tín hiệu về sự trở lại của các DN là hết sức tích cực, cho thấy khả năng ứng phó của DN với những diễn biến và tác động bất thường của đại dịch đã được cải thiện rõ rệt. “DN, nhà đầu tư đang nhận thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế và thể hiện niềm tin của họ đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới”, bà Việt Anh khẳng định.
 
 Động lực từ quá trình cải cách bền bỉ
 
 Trong những lý do thuyết phục nhiều nhà đầu tư chọn thành lập DN vào thời điểm này, việc cải thiện mạnh mẽ quy trình, thủ tục gia nhập thị trường đóng vai trò không hề nhỏ.
 
 Trong báo cáo của Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, thời gian làm thủ tục đăng ký DN, khởi sự kinh doanh giảm liên tục từ năm 2014 đến nay và sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các quy định mới ban hành về liên thông thủ tục hành chính. Cụ thể, năm 2014, DN mất ít nhất 12 ngày làm thủ tục đăng ký thành lập DN, bảy ngày để làm các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký DN thì năm 2020, thời gian này lần lượt là sáu ngày và 3,5 ngày. Đặc biệt, trong năm 2020, hơn 57% số DN thực hiện thủ tục qua mạng hoặc bưu điện, thay vì làm trực tiếp, tăng bốn lần so năm 2017. Cùng với đó, thời gian làm thủ tục nộp thuế, bảo hiểm xã hội… cũng có cải thiện rất đáng kể so với những năm trước.
 
 “Tôi tin sự thuận tiện này là động lực thúc đẩy nhiều DN dễ dàng trong quyết định chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cũng như thành lập mới để tận dụng ngay cả cơ hội thị trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề, DN, thì sự linh hoạt của DN thật sự cần thiết và cần được hỗ trợ”, bà Việt Anh phân tích thêm.
 
 Đây là lý do trong các đề xuất của VCCI gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành vẫn được đặt lên hàng ưu tiên số một. Đặc biệt, VCCI đề nghị mở rộng tích hợp thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, tăng cường cơ chế giám sát công vụ, giám sát độc lập hệ thống dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm sự vận hành thông suốt.
 
 Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh cho các DN kinh tế số cũng được coi là điều kiện để thúc đẩy các DN tham gia các cơ hội kinh doanh mới. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), khi DN sẵn sàng với những thay đổi của thị trường, thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn là động lực quan trọng giữ chân DN, người kinh doanh. “Vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh liên tục, với nỗ lực cao hơn vẫn là điều mà DN luôn chờ đợi và cũng là mục tiêu mà Chính phủ cần tiếp tục đặt trọng tâm”, ông Tuấn khuyến nghị. 
 

 Một số lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh gồm: Kinh doanh bất động sản (2.727 DN, tăng 56,5%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (329 DN, tăng 41,8%); giáo dục và đào tạo (1.282 DN, tăng 32,4%); vận tải kho bãi (2.117 DN, tăng 31,1%).