Nguy cơ thiếu hụt lao động khi hồi phục sản xuất

Nhiều tỉnh, thành phố có khu công nghiệp đã xây dựng phương án duy trì và phục hồi sản xuất. Không ít doanh nghiệp vẫn trả lương hoặc một phần lương cho công nhân, giúp họ yên tâm trở lại làm việc và ổn định sản xuất ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Liên đoàn Lao động tỉnh Long An hỗ trợ người lao động doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”.
Liên đoàn Lao động tỉnh Long An hỗ trợ người lao động doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”.

Không để bị động

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian qua có tình trạng người lao động về quê tránh dịch, “Việc di chuyển này là tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…”. 

Nhận định này là có cơ sở, khi Trung tâm dự báo nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương cho biết, trong sáu tháng cuối năm, thị trường lao động của tỉnh cần ít nhất 40.000 lao động. Còn Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra hai kịch bản về nhu cầu nhân lực nửa cuối năm 2021. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến cần khoảng 127.000 lao động. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, với việc triển khai tiêm chủng vaccine và kiểm soát tốt dịch tễ, cần khoảng 147.000 người làm việc.

Bởi thế, các tỉnh, thành phố cần mau chóng lập kế hoạch chuẩn bị các phương án nhân lực để tránh bị động, đứt gãy chuỗi sản xuất. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương có công văn gửi các sở, ngành liên quan về việc xây dựng kế hoạch tái khởi động các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị nắm tình hình thực tế, tham mưu cho UBND tỉnh các phương án cụ thể để có những chính sách kịp thời. 

Suốt nhiều ngày qua, các lực lượng chức năng Bình Dương đã nỗ lực, có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân, người dân. Đặc biệt, đối với 11 phường trên địa bàn của tỉnh thực hiện “khóa chặt, đông cứng”, nhu yếu phẩm hằng ngày cũng đã đến được phần lớn người dân, vì vậy tình hình tâm lý của người lao động ổn định hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ phản ánh không đủ các nguồn dinh dưỡng, sữa để bảo đảm sức khỏe. Theo ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, lúc này và khi dịch được kiểm soát, tâm lý nhiều người lao động muốn về quê, có thể một thời gian mới quay lại hoặc không quay lại, dẫn đến thiếu hụt lao động. Cũng sẽ có doanh nghiệp bị phá sản. Bởi vậy ngay lúc này việc chăm lo, giữ chân người lao động để dần ổn định sản xuất là rất nên làm. Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn về thuế, tiền thuê đất, thuê nhà xưởng, nhất là với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

UBND tỉnh Long An cũng ban hành Kế hoạch số 2759/KH-UBND về việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, theo ba giai đoạn: giai đoạn một, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giai đoạn hai khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định (sau giãn cách) và giai đoạn ba khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới. Ở giai đoạn ba, tất cả các doanh nghiệp được hoạt động và bố trí lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhưng người lao động phải hoàn thành tiêm đủ hai mũi vaccine khi vào làm việc, đồng thời thực hiện xét nghiệm định kỳ 10 ngày/lần. Trong kế hoạch, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ ra cụ thể lộ trình, các bước bảo đảm phòng, chống dịch và sản xuất. Đồng thời quy rõ trách nhiệm của các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp. Qua đó, tỉnh Long An sẽ nghiên cứu vận hành quy trình sản xuất mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn để sống chung an toàn với đại dịch.

Cần thêm chính sách 

Thực tế ở không ít doanh nghiệp, khi dịch bùng phát đã lập phương án “ba tại chỗ”, một số doanh nghiệp bố trí trả lương hoặc một phần lương cho công nhân, người lao động. Tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp tăng phụ cấp gấp đôi, nhất là đối với những nhân sự có năng lực cao và nhiều kinh nghiệm, giúp họ vững tâm hơn.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị, phương án “ba tại chỗ” chỉ là tình thế, nếu kéo dài quá thì cả doanh nghiệp và công nhân đều mệt mỏi. Bởi thế phải có vaccine và tiến hành tiêm cho 100% số doanh nghiệp sản xuất đang thực hiện “ba tại chỗ” trong thời gian nhanh nhất để “giữ chân” người lao động. Với khoảng hơn một triệu người đã rời thành phố về quê cũng cần được tạo điều kiện để quay lại làm việc. “Quý IV hằng năm là thời điểm hoạt động kinh doanh sôi động, kiếm ra tiền. Khi doanh nghiệp hoạt động lại thì phương thức hoạt động, quản trị doanh nghiệp cũng phải đổi mới. Vì thế họ cần những hỗ trợ về công nghệ. Với các doanh nghiệp xuất khẩu cần được giảm nhiều hơn về thuế, phí hoặc hoàn thuế nhanh hơn”, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Việc làm cũng cho rằng, ngoài ưu tiên tiêm phòng cho lao động để tạo tâm lý tốt, giúp họ an tâm ở lại làm việc thì cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng. Cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hay hỗ trợ người lao động trực tiếp bằng cách giảm giá điện, nước, xăng…

Hỗ trợ an sinh, chăm lo cho người lao động đang làm việc và không bỏ sót lao động mất việc chính là cách duy trì nguồn lực sản xuất bền vững.