Nguy cơ thiếu điện từ tháng tư

Toàn hệ thống điện hiện thiếu hụt hơn 3.000 MW do thiếu than. Căn cứ vào Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022, có thể thiếu hụt khoảng 900 triệu kWh/tháng. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, tình trạng thiếu điện có nguy cơ xảy ra từ tháng 4/2022.

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Hà
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Hà

Thiếu hụt than

Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2022 là 275,505 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 133,622 tỷ kWh và mùa mưa là 141,883 tỷ kWh.

Dựa vào kế hoạch này, các đơn vị phát điện trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng cung cấp than sản xuất trong nước, gồm hai loại than: Than trong nước và than pha trộn cho sản xuất điện năm 2022 với Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT ĐB) với tổng khối lượng than là 23,5 triệu tấn (7,349 triệu tấn than trong nước và 16,151 triệu tấn than pha trộn). Trong đó, TKV cung cấp 17,420 triệu tấn (4,760 triệu tấn than trong nước và 12,660 triệu tấn than pha trộn), TCT ĐB cung cấp 6,080 triệu tấn (2,589 triệu tấn than trong nước và 3,491 triệu tấn than pha trộn).

Tuy nhiên, thực hiện giao nhận than lũy kế hai tháng đầu năm 2022 đã xuất hiện tình trạng cung cấp thiếu than từ TKV và TCT ĐB. Cụ thể, theo tiến độ hợp đồng, TKV phải cung cấp khoảng 2,926 triệu tấn (0,814 triệu tấn than trong nước và 2,113 triệu tấn than trộn), trong khi đó, chỉ thực cấp khoảng 2,186 triệu tấn, bằng 74,7% (1,799 triệu tấn than trong nước và 0,386 triệu tấn than trộn). Khối lượng than cấp thiếu là 0,74 triệu tấn.

Cũng theo tiến độ hợp đồng, TCT ĐB phải cung cấp 0,872 triệu tấn (0,367 triệu tấn than trong nước và 0,504 triệu tấn than trộn). Nhưng thực cấp là khoảng 0,657 triệu tấn, bằng 75,3% (0,502 triệu tấn than trong nước và 0,157 triệu tấn than trộn). Khối lượng than cấp thiếu là 0,213 triệu tấn. Như vậy, hai đầu mối này cấp thiếu than cho sản xuất điện của EVN trong hai tháng đầu năm là 0,953 triệu tấn than.

Tính đến ngày 17/3, thực tế rót than ở cảng xếp hiện nay cho thấy việc cung cấp than tiếp tục thiếu hụt so với hợp đồng. Do khối lượng than TKV và TCT ĐB cung cấp thiếu nên tồn kho ở các nhà máy nhiệt điện đã giảm 0,793 triệu tấn so ngày 31/12/2021, từ 1,32 triệu tấn xuống chỉ còn 0,528 triệu tấn (định mức tồn kho là 1,183 triệu tấn). Đây là mức tồn kho rất thấp. Vì vậy, đến ngày 25/3 nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng dự phòng. Đó là, nhóm các nhà máy nhiệt điện than BOT (trừ Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 và Hải Dương); Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được cấp ở mức dự trữ chỉ đủ cho khoảng sáu ngày vận hành; các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành một tổ máy ở mức 60-70% công suất; Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong bốn tổ máy...

Thiếu hụt cả thủy điện

Theo EVN, tình hình thủy văn tại một số hồ thủy điện lớn khu vực phía bắc tiếp tục có lưu lượng nước về kém, nguy cơ thiếu nước trong mùa cạn năm 2021-2022 được dự báo diễn ra nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, bắt đầu giai đoạn mùa khô 2021-2022 đối với các hồ chứa thủy điện khu vực phía bắc, tuy nhiên vẫn không xuất hiện lũ lớn trên các lưu vực sông thuộc khu vực này, đặc biệt là lưu vực sông Hồng-Thái Bình (theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, mùa lũ sông Hồng từ ngày 15/6 đến ngày 15/9 hằng năm). Lưu lượng nước về các hồ chứa lớn khu vực miền bắc trong các tháng mùa lũ năm 2021 thiếu hụt từ 20-60% so lưu lượng nước về trung bình nhiều năm (hồ Sơn La thiếu hụt 31-51%, hồ Hòa Bình thiếu hụt từ 48-53%).

Trước tình hình đó, EVN thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện tích nước các hồ chứa thủy điện khu vực phía bắc ngay từ khi kết thúc mùa lũ nhằm bảo đảm cho việc vận hành hệ thống điện trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2022, bảo đảm cấp nước đổ ải vụ đông-xuân 2021-2022, đặc biệt là cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà phục vụ nước sinh hoạt cho Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, các tháng mùa khô đầu năm 2022 khu vực phía bắc tiếp tục khô hạn, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt so trung bình nhiều năm hơn 20%; mực nước các hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2,66-11,3 m. Dung tích các hồ đạt từ 70-91% dung tích như hồ Bản Vẽ thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 6,7 m, đạt 85% dung tích hồ; hồ Hủa Na thấp hơn khoảng 3,1 m, đạt 89%; hồ Trung Sơn thấp hơn khoảng 2,66 m, đạt 89%; hồ Cửa Đạt thấp hơn 11,3m đạt 70% và trong tháng 3, mực nước thượng lưu các sông trong khu vực biến đổi chậm theo xu thế xuống dần, trung lưu dao động theo điều tiết hồ chứa, hạ lưu biến đổi theo triều. Lưu lượng dòng chảy trên các sông giảm so với tháng trước.

Mực nước các hồ thủy điện vừa và lớn khu vực Trung Trung Bộ phổ biến thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,6-1,8 m. Dung tích các hồ phần lớn đạt từ 93-98% dung tích hồ; các hồ chứa thủy điện khu vực Nam Trung Bộ phổ biến đạt mức từ 90-100% dung tích hồ chứa; mực nước hiện tại các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,1-3,2 m, dung tích các hồ phần lớn đạt từ 85-95%. Cùng lúc thiếu hụt nguồn than cho nhiệt điện, lại thêm khó từ thủy điện, EVN gặp những thách thức rất lớn khi phải bảo đảm cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh tình hình năng lượng thế giới đang gặp khó khăn, ngay từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1813/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đánh giá và dự báo nhu cầu sử dụng điện, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, sau ba tháng thực hiện Công điện 1813, những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt để có hiệu quả cao.

Cho đến ngày 11/3, Bộ Công thương có Văn bản số 1225/BCT-DKT về việc "Bảo đảm cung cấp than cho sản xuất điện", theo đó, yêu cầu TKV và TCT ĐB thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp bảo đảm cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu). Bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký; yêu cầu EVN có giải pháp điều độ phù hợp tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hằng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.

Đường đi của một văn bản đến với thực tế đời sống còn hết sức khó khăn. Trong khi đó, theo EVN, vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho bảo đảm cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền bắc. 

Mới đây, tại cuộc họp về bảo đảm cung ứng điện và năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, công tác điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn có tư duy cục bộ, cát cứ trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình; công tác nắm bắt, dự báo tình hình, dự báo nhu cầu chưa sát thực tế và chưa điều chỉnh kịp thời khi tình hình có thay đổi... Trước tình hình này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan sản xuất điện, than, khí để bảo đảm an ninh năng lượng, với yêu cầu chính sách phải ổn định, kế hoạch phải dài hạn. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường về điện, giảm phụ thuộc bên ngoài.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Việc không nhập khẩu được than theo tiến độ ba tháng đầu năm, ngoài nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới, còn có yếu tố do thỏa thuận giá. Đến ngày 2/3/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn mà TKV kê khai theo luật giá. TKV đã triển khai mở bốn gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II/2022. Tuy nhiên, do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine làm khan hiếm nguồn cung, dẫn tới không có đơn vị trúng thầu.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh than, TKV đề nghị Bộ Công thương ủng hộ và phối hợp cùng TKV báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện. Trong tình hình thị trường than diễn biến bất ổn, khó dự báo như hiện nay, TKV đề nghị Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký với TKV, đăng ký nhu cầu than hằng năm với khối lượng không chênh lệch quá với khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn, thực hiện tiếp nhận đúng khối lượng than đã đăng ký để TKV có kế hoạch đầu tư các dự án và chủ động sản xuất than cung cấp cho sản xuất điện bền vững... Theo tập đoàn này, trong quá trình thực hiện, có một số nhà máy nhiệt điện than (kể cả trong EVN và ngoài EVN) thường xuyên không thực hiện theo cam kết trong hợp đồng mua bán trung hạn, dài hạn đã ký với TKV.