Làn sóng chuyển đổi số

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch Covid-19 trong tám tháng năm nay đã lên đến con số 85.500, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian ghi nhận làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, bắt đầu từ phát triển vùng trồng cây dược liệu. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, bắt đầu từ phát triển vùng trồng cây dược liệu. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. 

Chuyển đổi số hay chỉ đang số hóa?

Tại sự kiện trực tuyến “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của doanh nghiệp?” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD cho rằng, đã có nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững tạo ra được các thông lệ tốt trong thực hiện chuyển đổi số. Những kinh nghiệm này được chia sẻ, nhân rộng sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tìm thấy các cơ hội kinh doanh mới, vượt qua các thách thức do đại dịch gây ra.

Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, các doanh nghiệp Việt hiện còn khá mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh theo mô hình kinh tế số. Một trong những điểm hạn chế tầm nhìn của doanh nghiệp chính là sự chưa phân tách rõ được sự khác nhau giữa  khái niệm “chuyển đổi số” và “số hóa”. 

Bàn về tác động của đại dịch Covid-19 đến chuyển đổi số, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược, Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết, hiện hơn 80% số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% số lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số, và những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình. “Trong một cuộc làm việc mới đây với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phía Tập đoàn đã chia sẻ với chúng tôi về việc muốn có sự đồng hành từ phía các công ty giải pháp công nghệ trong nước đối với các hợp phần thực hiện chuyển đổi số của EVN thay vì việc đặt hàng từ các đối tác nước ngoài”, ông Kiên chia sẻ. 
 
Rõ ràng, làn sóng chuyển đổi số mang đến cơ hội cho nhiều bên, từ doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho đến doanh nghiệp đặt hàng. Tại sân chơi này, tầm nhìn của doanh nghiệp, sự hậu thuẫn từ cơ chế chính sách đã tạo nên sự bứt phá đối với cả ba yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công bao gồm: con người, thể chế, công nghệ. Trong chuyển đổi số, thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất.
 
Bắt nhịp xu hướng

Để chuyển đổi số thành công, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm... 

Từ góc độ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen chia sẻ “Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành một doanh nghiệp toàn cầu am hiểu địa phương và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Các nền tảng trọng tâm này đã giúp công ty có thể ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong chuyển đổi số, chiến lược tiếp cận của chúng tôi tập trung vào việc phân tích các giá trị và cơ hội mấu chốt từ việc chuyển đổi hơn là chỉ quan tâm đến các danh mục công nghệ”. 

Trước tiên, doanh nghiệp này ưu tiên số hóa về mặt dữ liệu, từ đó tìm kiếm và áp dụng các công nghệ phù hợp. Điều quan trọng nhất trong chiến lược chuyển đổi số là trang bị và phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên để tiếp cận và làm chủ công nghệ. “Chuyển đổi số thật sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên”, ông Urs Kloeti kết luận. 

Ở góc độ của một doanh nghiệp Việt Nam, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco nhấn mạnh đến yếu tố chuẩn bị tư duy 4.0 cho tất cả các hoạt động kinh doanh, từ mạnh dạn đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, cho đến xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online. Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng robot trong sản xuất, tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam… Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS), áp dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP, phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence) từ đó đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng. 

Khi đại dịch xảy ra, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt: Năm 2020, tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế. Sáu tháng đầu năm 2021, công ty tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chuyển đổi số, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia nhìn nhận, quá trình số hóa công nghiệp đang diễn ra trên tất cả các mảng nhờ tận dụng lợi thế của công nghệ di động 5G, song song với trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và internet vạn vật (IoT). “Những khả năng mà 4G và 5G IoT tạo ra cho doanh nghiệp ở tất cả các ngành công nghiệp không chỉ ở việc giúp doanh nghiệp tăng tốc nhằm đáp ứng nhu cầu của thế giới mới trong kỷ nguyên số, mà điều quan trọng hơn đó là nó sẽ đóng góp và phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam”, ông Denis Brunetti khuyến nghị.