Kiểm soát được lạm phát kinh tế mới hồi phục

Nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang đối mặt với lạm phát tăng cao chưa từng có, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy giảm. Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát nhưng sức ép từ nhiều phía khiến nhà điều hành phải thận trọng trong từng đường đi nước bước, nhất là khi sử dụng chính sách tiền tệ, tài khóa.

Những lái xe công nghệ nếm trải rõ nhất sự khó khăn khi giá xăng tiếp tục tăng. Ảnh: Anh Sơn
Những lái xe công nghệ nếm trải rõ nhất sự khó khăn khi giá xăng tiếp tục tăng. Ảnh: Anh Sơn

Nội-ngoại đều đáng quan ngại

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6/2022 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022. Giá xăng dầu liên tục tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng. Bình quân sáu tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Mối lo ngại lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhập khẩu lạm phát. Giá dầu thế giới tiếp tục neo ở mức cao, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được nối lại, cộng thêm tác động từ chiến sự giữa Nga-Ukraine khiến giá hàng hóa thế giới tăng, trong khi sản xuất hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Do đó giá hàng hóa (cả hàng tiêu dùng và hàng xuất, nhập khẩu) tăng là điều khó tránh khỏi, nhất là khi giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng. Ngay khi những hàng hóa thiết yếu như lương thực, chất đốt tăng sẽ tạo thành lực đẩy khiến giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Lúc này chúng ta sẽ đối mặt thêm sức ép từ chính nội tại nền kinh tế. Và một khó khăn khác trong kiểm soát lạm phát là nếu việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ có thể tính toán trên cơ sở các con số, công thức toán học thì một yếu tố khó dự báo, khó lên kịch bản ứng phó nhất là tâm lý người tiêu dùng. Khi giá cả hàng hóa tăng, mặt bằng lãi suất tăng thì kỳ vọng lạm phát sẽ xuất hiện. Kỳ vọng lạm phát sẽ đẩy mặt bằng giá càng tăng cao hơn, tạo thành vòng xoáy khó kiểm soát. Vì vậy, việc Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất-kinh doanh" là động thái rất tích cực. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định CPI những tháng đầu năm tăng chủ yếu liên quan đến giá hàng hóa thế giới và với độ trễ từ tác động dây chuyền của vòng quay Hàng-Tiền-Hàng thì CPI sẽ tăng mạnh vào những quý cuối năm. Do đó, ngay lúc này cần có những quyết sách phù hợp.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, các gói trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa giải ngân, nên trong thời gian tới, khi những gói giải pháp này được đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát. Đơn cử, gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng giá trị 40 nghìn tỷ đồng (dự kiến năm 2022 là hơn 16 nghìn tỷ đồng và 2023 là gần 24 nghìn tỷ đồng) khi được triển khai sẽ khiến cầu tín dụng tăng, trong khi tính đến đầu tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 8,5% so cuối năm 2021. Đây là mức tăng khá cao so kế hoạch tín dụng tăng 14% trong năm 2022. Để kiểm soát cung tiền-yếu tố tác động đến lạm phát Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào, nới bao nhiêu để kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Ðã đến lúc lựa chọn một mục tiêu?

Việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%, tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay là nhiệm vụ đầy thách thức. Lạm phát cao sẽ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sức mua giảm. Cầu giảm khiến cung-sản xuất hàng hóa sẽ giảm và dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tình trạng này kéo dài thì khủng hoảng kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian. Chính vì thế, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay nên chăng trước mắt chúng ta cần tập trung vào mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát. Và "tốt" ở đây cũng không chốt cứng ở con số 4% và nên đặt trong bối cảnh lạm phát nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang chật vật ứng phó với việc lạm phát cao chưa từng có trong vòng vài thập niên trở lại đây. Bởi mức lạm phát 4% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là mức bằng với nhiều năm trước-khi thế giới và trong nước không phải chịu nhiều tác động tiêu cực và trong môi trường có nhiều yếu tố bất định như hiện nay.

Để đối phó với tình trạng lạm phát cao Fed đã liên tục tăng lãi suất. Sau kỳ điều chỉnh mạnh, lên tới 75 điểm phần trăm trung tuần tháng 6/2022, Fed dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản. Động thái này của Fed khiến Ngân hàng trung ương các nước khác cũng mạnh tay hơn trong sử dụng công cụ lãi suất và tỷ giá. Ngân hàng trung ương các nước không chỉ tăng lãi suất điều hành mà còn tăng tỷ giá nhằm bảo vệ sức mua của đồng tiền nội tệ. Việt Nam chọn không tăng lãi suất điều hành thì áp lực sẽ dồn vào điều hành tỷ giá. Những ngày qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán ra ngoại tệ để giữ ổn định thị trường. Song cách này cũng không thể duy trì lâu dài vì Quỹ dự trữ ngoại tệ dù đã lớn hơn trước nhiều nhưng không phải vô tận. Hơn nữa, về bản chất, chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn và có độ trễ nhất định. Do đó, để kiểm soát lạm phát hơn lúc nào hết cần phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị trong các tháng còn lại của năm 2022, cần giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Việc tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 nhằm tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh giá (nếu cần thiết) dịch vụ y tế, giáo dục, bảo đảm thận trọng hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và mục tiêu kiểm soát lạm phát chung.