Kích hoạt vùng kinh tế trọng điểm

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020, đó là, phát triển các vùng và khu kinh tế hiệu quả hơn...

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Ảnh: HƯƠNG TRÀ
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Ảnh: HƯƠNG TRÀ

Khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, những năm vừa qua, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với con số tăng trưởng ổn định và vượt bậc theo nhiều năm. Mỗi vùng KTTĐ đều có bản sắc riêng nhờ vào khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng. Tốc độ đô thị hóa tại các vùng tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 39,3% (đạt mục tiêu) và bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn...

Nhận định về nguyên nhân sự phát triển vượt bậc của vùng KTTĐ phía nam, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, bước sang thế kỷ 21, phát triển công nghiệp đã trở thành một phong trào rộng khắp. Hơn một nửa trong số 34 tỉnh, thành phố phía nam đã xác định vị trí số một của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Nhờ đó, công nghiệp khu vực phía nam tiếp tục phát triển mạnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn vùng.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng trung du và miền núi phía bắc đã tập trung phát triển mạnh các ngành có lợi thế như thủy điện; kinh tế cửa khẩu; khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm sản. Vùng đồng bằng sông Hồng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao vào hoạt động. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, khu du lịch, năng lượng tái tạo, đồng thời phát triển nhanh kinh tế biển. Vùng Tây Nguyên, đã tập trung phát triển lĩnh vực thủy điện, khai thác, chế biến bô-xít, cây công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng Đông Nam Bộ phát huy được vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục phát triển mạnh các ngành có lợi thế như nuôi trồng thủy, hải sản, cây ăn quả, du lịch...

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nói trên, vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng, nội vùng vẫn tồn tại nhiều nút thắt. Đó là có sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng KTTĐ. Việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng còn nhiều lúng túng; tính liên kết giữa các địa phương, các vùng còn lỏng lẻo, mang tính tự phát...

Đơn cử, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so các vùng kinh tế khác trong cả nước bởi phải gánh sứ mệnh tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy mà chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Còn riêng đối với khu vực Đông Nam Bộ, PGS, TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ, hiện nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh Đông Nam Bộ về Trung ương rất lớn, bình quân chỉ được giữ lại khoảng 24-25% nguồn thu nên rất khó cho đầu tư phát triển tiếp. Để tháo gỡ nút thắt này, cần xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết, gia tăng phần ngân sách của các tỉnh, thành phố được giữ lại. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ kết nối hạ tầng cho vùng Đông Nam Bộ cũng chính là tạo điều kiện để không chỉ phát triển kinh tế cho vùng này mà còn là giải pháp để gia tăng nguồn thu, có nguồn lực đầu tư cho các vùng, các tỉnh, thành phố khác của cả nước.

Ngoài ra, Trung ương cần thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực, các vùng... Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, nhất là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa...

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, những bất cập trong phát triển kinh tế vùng mới được tháo gỡ hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các vùng kinh tế trong phát triển đất nước.

Việt Nam hiện có bốn vùng KTTĐ, gồm vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền trung, vùng KTTĐ phía nam và vùng KTTĐ ĐBSCL với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, cả nước còn có bảy vùng kinh tế lớn.