Không gian kinh doanh mới

Cho dù đứt gãy, khó khăn là những từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2021, nhưng khi nhìn lại, giới kinh doanh và cả các chuyên gia nghiên cứu lại muốn chia sẻ nhiều hơn về không gian phát triển của tư duy kinh doanh mới.

Áp dụng công nghệ tưới tự động tại vùng nguyên liệu chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng
Áp dụng công nghệ tưới tự động tại vùng nguyên liệu chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Vượt giông bão

"Đến giờ gần như tất cả doanh nghiệp Long An đã trở lại hoạt động rồi. Chúng tôi đang cố gắng để hoàn tất các đơn hàng", ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An chia sẻ. Phải ở tâm dịch, chứng kiến những giai đoạn khó khăn nhất khi Covid-19 đổ ập, mới cảm nhận hết được niềm vui hiện trên gương mặt của một doanh nhân dạn dày trên thương trường.

"Khi lao động thiếu hụt, chúng tôi buộc phải tính tới việc xem xét lại toàn bộ quy trình. Và các kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi số ngay lập tức được triển khai. Hiện tại, chúng tôi có thể tăng sản lượng thêm 30-50% nhưng với số lao động ít hơn trước. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề xuất các phương án vận chuyển hàng hóa đường thủy, thay vì đường bộ, để kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cảng biển ở khu vực Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vùng Tàu, TP Hồ Chí Minh) rẻ hơn", ông Thắng tính toán.

Cũng theo tính toán của ông, chi phí logistics sẽ chỉ còn khoảng một phần năm so hiện tại, như vậy, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong vùng sẽ tăng lên. Hơn thế, đây cũng là cơ sở thu hút thêm các nhà đầu tư đến với khu vực, khi đường dây kết nối thuận tiện hơn.

Hệ sinh thái để phát triển cũng là điều Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông muốn nói tới vào thời điểm này. Có nhà máy ở Sơn La, Đắk Lắk, Bình Dương, Phúc Sinh kết nối với 6.000 trang trại của nông dân khắp vùng, nên ảnh hưởng từ dịch bệnh không hề nhỏ. Nhưng doanh số năm 2021 của công ty dự kiến vẫn đạt 200 triệu USD.

Với ông Thông, vì đóng vai kết nối giữa nông dân, nhà cung cấp trong nước với các đối tác nhập khẩu nước ngoài, nên điều ông tâm đắc là dùng công nghệ, thực hiện các sáng kiến để tạo nên sự kết nối thuận tiện nhất. "Nhiều công việc thay vì làm 4 giờ, chúng tôi tìm cách để hoàn thành trong 1 giờ, thay vì một phòng kế hoạch 20 người cho một công ty doanh số 200 triệu USD, chúng tôi chỉ cần bốn người, thay vì đi "giải cứu" nông sản, chúng tôi đầu tư chế biến sơ, chế biến sâu với quan niệm phân khúc nào cũng có thị trường và sẽ không để ai bị ép giá...", ông Thông kể.

Đặc biệt, ông cũng muốn chia sẻ thông tin về sự phát triển mạnh mẽ của trang thương mại điện tử Kphucsinh.vn, vì nhiều khách hàng nói với ông, nhờ đó mà họ mua được đồ ăn trong những đợt giãn cách xã hội căng thẳng nhất. "Covid-19 có thể còn phức tạp, nhưng quan điểm của chúng tôi là tích cực tìm giải pháp từ chính mình trước khi đề xuất hay chờ đợi các giải pháp hỗ trợ", ông Thông nhìn nhận.

Chìa khóa cấu trúc lại khối doanh nghiệp

Nhìn rộng ra trên cả nước, không phải toàn bộ doanh nghiệp đều có thể trở lại hoạt động. Con số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng vẫn đang rất nhức nhối trong các bảng thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với khoảng gần 10.000 doanh nghiệp/tháng. Vậy nên, với ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica Việt Nam, những doanh nghiệp như Đồng Tâm, Phúc Sinh đã và sẽ đóng góp rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ở cả khía cạnh đóng góp vào GDP và quan trọng là tham gia vào thay đổi cơ cấu ngành.

"Một đất nước lợi thế nông nghiệp lớn, đang lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư, chuyển dịch chuỗi giá trị sau những tác động của đại dịch", ông Bình nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc đến điều này. Thậm chí, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển chiến lược và thương hiệu còn gọi đây là thời đại của những xu thế mới xanh hơn, thông minh hơn và nhân văn hơn.

Nhưng vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là sau ba thập niên kể từ khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1992), dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, nhưng cơ cấu doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực không có nhiều thay đổi. Chiếm ưu thế vẫn là các ngành dịch vụ, trong đó chủ yếu là nhóm ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa. Tiếp sau đó là công nghiệp, xây dựng... Tỷ lệ doanh nghiệp các ngành nông, lâm, ngư nghiệp rất thấp.

"Tôi cảm thấy lo ngại khi thấy chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Cùng với đó là quy mô các doanh nghiệp nhỏ, hiệu quả hoạt động so với các ngành khác thấp hơn, năng suất lao động cũng kém hơn. Chúng ta sẽ tận dụng lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao như thế nào? Sự chủ động của riêng lẻ các doanh nghiệp không thể là lời giải", ông Bình đặt câu hỏi.

Cũng cần phải nhắc đến những khuyến nghị của GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp) khi chia sẻ những động thái mới nhất của giới kinh doanh toàn cầu. Trong vòng hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp Singapore đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, gồm cả quy trình, kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh; xây dựng các ngành công nghiệp thực phẩm có giá trị cao cũng đang tăng lên mạnh.

Các doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ tiếp tục kế hoạch chuyển nhanh sang thích ứng nhanh nhẹn, theo nghĩa định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người, công nghệ thông minh hơn. Đặc biệt, chiến lược đặt nhà máy tại thị trường tiêu thụ đang được quan tâm, thông qua thiết kế lại chuỗi cung ứng và coi sự thay đổi môi trường kinh doanh là lợi thế cạnh tranh.

Còn các doanh nghiệp Nhật Bản xác định tập trung vào yếu tố con người, vì chuyển đổi số không phải là bài toán của công nghệ mà là bài toán con người. Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, ưu tiên môi trường, xã hội và xây dựng hệ thống quản trị.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận, đánh giá để xác định các quyết định đầu tư để dành nguồn lực phù hợp. Mục tiêu ưu tiên không chỉ là lợi nhuận mà là khả năng kháng cự với các cú sốc, là khả năng đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, trong đó chuyển đối số là yêu cầu tất yếu và là chiến lược ưu tiên đầu tư...

Tất nhiên, sự chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết, nhưng ông Bình cho rằng, cơ chế chính sách có vai trò thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch, tham gia quá trình cơ cấu nền kinh tế. Nhìn vào kinh nghiệm các nền kinh tế phát triển Đông Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, có thể thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và đặc biệt là tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) là chìa khóa để cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp theo định hướng.

"Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng năng suất lao động thấp gần nhất khu vực, không thể duy trì cơ cấu doanh nghiệp với sự thiếu vắng của khu vực doanh nghiệp cỡ vừa (chỉ khoảng 21.000 trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp) như hiện tại. Đây là lý do Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Chính phủ, Quốc hội bàn thảo đang gắn với các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Lúc này, đòi hỏi về tốc độ là vô cùng quan trọng", ông Bình nói.

Điều quan trọng là sự phục hồi sẽ không đơn thuần là trở lại như trước dịch, mà mang tâm thế của giai đoạn mới. "Chúng ta có thể kỳ vọng về một cơ cấu doanh nghiệp hiện đại, năng lực cạnh tranh với sự lớn mạnh của nhóm doanh nghiệp quy mô vừa trong 10 năm tới", ông Bình kỳ vọng. Tất nhiên, cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ xoay chuyển bắt nhịp với xu thế toàn cầu...

Việc các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát huy hiệu lực ngay từ đầu năm 2022 không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các xu thế mới, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.