Hỗ trợ trúng và đúng!

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức lên tiếng đề nghị các cơ quan truyền thông không dùng cụm từ "giải cứu" khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Ðây là động thái phù hợp để ngăn chặn giảm giá, bảo vệ quyền lợi của người nông dân và cũng là bài học cho việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở những thời điểm trúng vụ hoặc trong bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh.

Vải Việt Nam đã có tại siêu thị Nhật Bản.
Vải Việt Nam đã có tại siêu thị Nhật Bản.

Rộng cửa xuất khẩu

Ðể thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. Các địa phương trên hành trình lưu thông nông sản, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu phía bắc nhận được yêu cầu từ Bộ về việc thực hiện luồng xanh đối với quả vải xuất khẩu đủ tiêu chuẩn (miễn kiểm tra chi tiết khi thông quan-PV) và đưa ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp (DN) xuất khẩu theo hình thức chính ngạch…

Ngày 23-5-2021, lô vải đầu tiên của tỉnh Hải Dương "mở hàng" xuất khẩu đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản. Tiếp ngay sau đó, đến ngày 26-5, 15 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty CP Ameii Việt Nam cũng tiếp tục lên đường. Ðại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, tuy mới có mặt tại thị trường Nhật Bản từ niên vụ 2020 song trái vải thiều Việt Nam (giá bán tại Nhật Bản khoảng 340 nghìn đồng/kg- PV) đã được khách hàng đón nhận rất tích cực.

Ðặc biệt, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), năm nay, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp mà ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Ðiều này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu mà còn cho thấy sự tin tưởng từ phía các cơ quan chức năng của thị trường này với trái vải thiều của nước ta. Dự báo năm nay, việc tiêu thụ vải thiều tại Nhật Bản sẽ thuận lợi.

Ðối với thị trường Trung Quốc (chiếm đến 90% tổng lượng tiêu thụ vải thiều xuất khẩu), để tạo thuận lợi cho vải thiều thông thương, ông Phan Văn Chinh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Cục đã trao đổi với các Ban quản lý các cửa khẩu lớn và Sở Công thương các tỉnh trong vấn đề tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải qua các tỉnh biên giới. Ðặc biệt, hiện nay tất cả các xe vải của Bắc Giang lên sẽ được đi thẳng xuống khu cách ly và làm các thủ tục theo quy trình Bộ Y tế và Bộ Công thương và các tỉnh đã thống nhất. Ðồng thời, tạo điều kiện ưu tiên cho trái vải thiều trong thông quan cho trái vải. "Cục Xuất nhập khẩu hiện đã bố trí lực lượng cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn để sẵn sàng phục vụ các DN khi đưa hàng hóa lên được thông quan ngay, tạo điều kiện tối đa cho các xe nông sản, đặc biệt là vải thiều được thông quan nhanh chóng", ông Phan Văn Chinh cho biết.

Ngay tại các cửa khẩu quốc tế như cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai), các xe công-ten-nơ chở vải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch được Hải quan, Biên phòng ưu tiên thông quan trước. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày có từ 40 - 50 xe tải trọng lớn chở vải thiều thông quan qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành, đạt khoảng hơn 500 tấn xuất sang Trung Quốc.
Dự kiến khi vào vụ vải chính (từ giữa tháng 6), lượng vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai sẽ tăng mạnh, đạt khoảng 1.000 tấn/ngày.

Củng cố "sân nhà"

Rộng cửa xuất khẩu, nhưng không thể không chú trọng đến thị trường trong nước bởi đây chính là hậu phương giúp cho bà con không bị khốn khó nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, dịch bệnh khiến cánh cửa xuất khẩu khép lại. Chia sẻ khó khăn với các vùng vải đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, kế hoạch đưa trái vải lên kệ các hệ thống siêu thị bắt đầu được triển khai từ giữa tháng 5. Ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ tin vui, theo kế hoạch, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trên toàn hệ thống sẽ dao động trung bình từ 400 tấn và có khả năng vượt 500 tấn nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Ngoài các kênh phân phối trực tiếp, điều đặc biệt là năm nay vải thiều còn được tiêu thụ rất mạnh qua kênh thương mại điện tử (TMÐT). Ngay vụ vải sớm bắt đầu từ giữa tháng 5, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã chính thức được mở bán ngay tại trang web với vị trí ưu tiên trên sàn TMÐT Voso.vn thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến" cùng với nhiều chính sách giá ưu đãi, vận chuyển... Về phía tỉnh Bắc Giang, cũng đã phối hợp với các công ty để đưa vải thiều Bắc Giang lên các sàn TMÐT tiêu thụ như Sendo, Postmart, Lazada... Theo ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post, cuối tháng 5, vải thiều Bắc Giang đã xuất hiện trên sàn TMÐT Vỏ Sò (voso.vn) của Viettel, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Viettel Post đã cùng Sở Công thương tỉnh Bắc Giang trực tiếp làm việc với các nhà vườn, hợp tác xã, đồng thời cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày (đặt đơn trước khi thu hoạch). Ðiều này sẽ giúp Vỏ Sò chủ động phương án thu mua, bảo đảm chất lượng sản phẩm (sáng thu hoạch, chiều đến tay khách hàng) và tránh trường hợp ùn ứ khi sản phẩm vào mùa chính vụ. Ðặc biệt, để giữ độ tươi ngon, Viettel Post tổ chức kết nối hệ thống xe tải đa điểm và liên tục từ Bắc Giang tới tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hệ thống xe lạnh sẽ được huy động tối đa để vận chuyển vải, đặc biệt đối với các lô lớn chuyển vào miền trung và miền nam sẽ được vận chuyển bằng đường bay. Nhờ đó vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6-48 giờ sau thu hoạch. 

Với hàng loạt giải pháp, sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, địa phương và DN, con đường tiêu thụ trái vải trong năm nay được kỳ vọng hanh thông trong "bão" dịch, để trái vải thiều có được giá trị và chỗ đứng xứng đáng với chất lượng và thương hiệu của mình.

Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang hơn 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn (tăng khoảng 15 nghìn tấn so năm 2020). Riêng vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... 218 ha (sản lượng ước đạt 1.800 tấn); vùng sản xuất vải sang thị trường Nhật Bản 219 ha (sản lượng ước đạt 1.800 tấn)

Bảo Lâm