Hỗ trợ trúng - đúng, lối ra khỏi khủng hoảng

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ tháng 5 tới nay tạo một cú sốc với nền kinh tế cả nước. Trong điều kiện còn quá nhiều ẩn số, chúng ta phải tìm kiếm giải pháp hệ thống với sự linh hoạt nhất định, tiếp cận hợp lý và mạnh dạn điều chỉnh khi cần thiết.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TỰ TRUNG
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TỰ TRUNG

Phải xác định biện pháp can thiệp hiệu quả, giải quyết đúng và trúng vấn đề cũng như tăng cường công khai, minh bạch thông tin để đạt sự đồng thuận xã hội về các chính sách ban hành. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để toàn thể xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất hành động, quyết liệt, tập trung vào phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ tháng 5 tới nay tạo một cú sốc với nền kinh tế cả nước. GDP quý III/2021 đã giảm 6,17% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm chưa có tiền lệ. Những dòng người nối nhau rời khỏi đô thị lớn những ngày qua báo trước một giai đoạn khó khăn về an sinh xã hội, về nguồn lực tái thiết sản xuất. Quá trình phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ chậm và không đồng đều giữa các vùng kinh tế và giữa các địa phương.

Mở rộng “vùng xanh”, giảm nhanh “vùng đỏ”

Để phục hồi kinh tế, chống đứt gãy các mối liên kết kinh tế trong nước và quốc tế, trước hết phải chấm dứt các biểu hiện cục bộ và kỷ luật thích đáng nếu chúng tồn tại. Song song đó, tăng nhanh độ phủ của vaccine tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng vô cùng quan trọng, nhất là khi nhiều cơ sở y tế đã có dấu hiệu mệt mỏi và cạn kiệt nguồn lực tài chính. Hệ thống y tế cần được tiếp sức bằng nguồn lực tài chính công cả cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và con người cụ thể.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ có lẽ chủ yếu mới giải quyết khó khăn trước mắt của người dân và doanh nghiệp như: Nhận thấy dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến các đối tượng yếu thế, người nghèo trong xã hội, hộ chính sách, người lao động khu vực kinh tế không chính thức, lao động nhập cư, Nhà nước đã liên tục hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và vật chất.

Sau nhiều năm liên tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm nhanh, cuối năm 2020 chỉ còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 4%. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể làm một bộ phận số hộ đã thoát nghèo, nhất là ở các đô thị bị tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới. Tình trạng lao động nhập cư nhất thiết đòi về quê trong đại dịch cho thấy việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động khó khăn đến mức nào. Do đó, việc tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo là hết sức quan trọng để các hộ nghèo có cơ sở tự vươn lên, tham gia quá trình phục hồi kinh tế.

Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng đã nhận được sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước thông qua các chính sách tài khóa, tín dụng để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất, đầu tư tái mở rộng sản xuất để có thêm nhiều việc làm mới, năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 93,9% số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh và chỉ có 15-20% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do theo được “ba tại chỗ”, còn lại đều phải ngừng sản xuất.

Còn đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện chỉ có 30 - 40% số doanh nghiệp ngành thủy sản có đủ năng lực để phục hồi sản xuất khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại cần từ 1,5 đến hai năm mới có thể phục hồi được 100% công suất. Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn bi đát hơn khi trong số 75 nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong toàn vùng, hiện chỉ có chưa đến 250 doanh nghiệp còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất.

Doanh nghiệp trung bình và lớn gặp vô vàn khó khăn nhưng có thể còn có những nguồn lực tài chính tích lũy hoặc có tài sản bảo đảm, tín nhiệm tín dụng cao để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhưng hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ có lẽ khó khăn hơn cả sau thời gian dài giãn cách xã hội kéo dài, tài chính hầu hết cạn kiệt, mặt bằng kinh doanh phải trả lại, lao động thì về quê, chưa biết khi nào lên, khách hàng còn dè dặt khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ, nên việc phục hồi sản xuất, kinh doanh diễn ra rất dè dặt, chậm chạp, vừa làm vừa nghe ngóng diễn biến dịch bệnh và nguy cơ quay trở lại giãn cách xã hội.

Tìm kiếm các giải pháp mang tính hệ thống

Bên cạnh hơn 100 nghìn tỷ đồng đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong ngân sách nhà nước năm 2021, vừa qua, tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô gói hỗ trợ năm 2021, tính tất cả các nguồn, khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Đây là cố gắng rất lớn của Nhà nước khi GDP chín tháng chỉ tăng 1,42% nên nguồn thu rất khó khăn.

Cũng cần phải nhìn ở góc độ bài toán chi phí - hiệu quả, vì chỉ khi kinh tế được phục hồi, ngân sách mới có nguồn thu để lại tập trung chi cho phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Để có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch, nhất là trong hai năm phục hồi kinh tế 2022- 2023, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng trần nợ công trong ba năm đầu vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế, giảm dần trong hai năm cuối để tổng thể bình quân 5 năm đạt mục tiêu kế hoạch. Chính phủ cũng có thể phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong dân để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là khi lãi suất huy động đang ở mức thấp như hiện nay.

Trong điều kiện còn quá nhiều ẩn số, chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp hệ thống với sự linh hoạt nhất định, tiếp cận hợp lý và mạnh dạn điều chỉnh khi cần thiết. Cần ứng dụng công nghệ số để tổng hợp dữ liệu kịp thời, có chất lượng về diễn biến dịch bệnh, tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách, tình hình doanh nghiệp, thị trường… để cấp hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin cần thiết nhằm xác định các giải pháp, biện pháp can thiệp có hiệu lực, hiệu quả, giải quyết đúng và trúng vấn đề cũng như tăng cường công khai, minh bạch thông tin để đạt được sự đồng thuận của xã hội về các chính sách ban hành.

Giảm được khoảng cách giữa mục tiêu kỳ vọng của chính sách và kết quả thực tế chính là thước đo về năng lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, tạo sự tin tưởng vào hệ thống chính trị. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để toàn thể xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đạt được sự thống nhất hành động, quyết liệt, tập trung vào phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

TS TRẦN VĂN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Trên phạm vi cả nước, theo Tổng cục Thống kê, chín tháng năm 2021 có 85,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn, số lao động đều giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, trong khi đã có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.