Vốn Nhà nước trong doanh nghiệp

Hiểu đúng để có tư duy quản lý đúng

Cách hiểu vốn nhà nước trong doanh nghiệp (DN) hay vốn của DN đang quyết định rất lớn đến tư duy quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Vietnam Airlines là một trong 18 doanh nghiệp thuộc danh mục có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể.
Vietnam Airlines là một trong 18 doanh nghiệp thuộc danh mục có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể.

Mục tiêu và nguyên tắc

Không ngẫu nhiên mà Ban tổ chức Hội thảo bàn về việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật 69), thu xếp để ông Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là diễn giả cuối cùng trong danh sách các chuyên gia được đặt hàng phát biểu.

Trước ông Cung, các chuyên gia đến từ Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam đã đánh giá việc triển khai thực hiện Luật 69 trong 5 năm thông qua một khảo sát khá chi tiết. Ðiểm đáng nói là 91% số ý kiến khảo sát cho rằng, Luật này để quản lý vốn nhà nước và vì vậy, đề xuất của nhóm tư vấn là chỉ nên tập trung các nội dung quản lý vốn nhà nước, chứ không nên đặt ra các vấn đề về quản trị, vận hành DN trong Luật này.

Cụ thể, nhóm tư vấn đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật 69 nên tập trung quan tâm vào mục tiêu và nguyên tắc quản lý vốn, với những xác định rõ ràng về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, cơ chế phân cấp quản lý, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước cũng như các yêu cầu cơ cấu lại vốn đầu tư vào DN.

Cũng phải nói thêm, tham gia khảo sát của Ernst&Young Việt Nam có 81 đơn vị đại diện chủ sở hữu và 16 DN có vốn nhà nước. Cũng có thể hiểu, Ernst&Young Việt Nam đã đề xuất hướng sửa đổi dựa trên tư duy chung của những đối tượng đang chịu điều chỉnh của Luật 69.

Tuy nhiên, ông Cung đã lật lại toàn bộ các vấn đề này khi đặt cách hiểu về khái niệm vốn nhà nước tại DN trong khái niệm cơ bản về kinh tế thị trường. “Theo tôi, khái niệm về vốn nhà nước trong DN không còn phù hợp, cần phải quay lại khái niệm cơ bản của kinh tế thị trường”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Theo Luật 69, vốn nhà nước tại DN bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ NSNN; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại DN, quỹ hỗ trợ sắp xếp DN; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại DN.

Vốn của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của DN và vốn do DN huy động. Với khái niệm này, đặt mục tiêu quản lý vốn nhà nước tại DN có nghĩa là Nhà nước sẽ phải tham gia trực tiếp vào quản lý phần vốn được gọi là vốn nhà nước trong DN. Ðương nhiên, sẽ phát sinh các khái niệm là vốn của DN, đi cùng với đó là cơ chế quản lý khác với vốn của Nhà nước trong DN. “Quản lý nhà nước và hoạt động của DN có vốn nhà nước cùng khó khăn vì không thể làm rõ đồng nào của Nhà nước, đồng nào của DN để tuân thủ quy định về quản lý, đầu tư, sử dụng. Hệ quả là quy trình, thủ tục đầu tư của DNNN, DN có vốn nhà nước luôn phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí nhưng lại không hiệu quả”, ông Cung phân tích.   

Thị trường đang dùng khái niệm vốn đầu tư như thế nào?

Nếu hiểu theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thì khi Nhà nước đầu tư vốn vào DN, Nhà nước sẽ trở thành cổ đông, thành viên và tài sản có được là số cổ phần, phần vốn góp tương ứng. Trong trường hợp DN 100% vốn nhà nước, Nhà nước là cổ đông duy nhất của DN. Nhưng khi Nhà nước đã đầu tư, góp vốn, mua cổ phần để lấy sở hữu cổ phần, phần vốn góp thì phần vốn là vốn của DN, hòa chung với các nguồn vốn khác mà DN huy động được. Trong DN khi đó sẽ chỉ có vốn của DN, chứ không còn vốn của Nhà nước hay vốn của tên tuổi cổ đông cụ thể nào.

Với cách tiếp cận này, định chế và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu, mục tiêu đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN sẽ khác hoàn toàn với các quy định hiện hành.

Chủ sở hữu hay đại diện chủ sở hữu nhà nước về bản chất là thực hiện vai trò nhà đầu tư. Cũng giống như nhà đầu tư tư nhân, chủ sở hữu nhà nước sẽ đặt yêu cầu khi đầu tư vốn vào DN theo các mục tiêu như tỷ lệ tăng giá trị cổ phần, tỷ suất lợi nhuận hằng năm và các mục tiêu phi tài chính khác.

Với thông lệ trên, quyền chủ sở hữu đối với đầu tư của Nhà nước tại DN như một nhà đầu tư có trách nhiệm trong kinh tế thị trường. Cơ quan chủ sở hữu là một nhà đầu tư, chịu trách nhiệm về tất cả số cổ phần và các khoản đầu tư riêng lẻ tại DN cụ thể. Còn DN có toàn quyền với vốn của DN, bất kể nguồn gốc từ đâu. “Ðáng tiếc là chúng ta đang lẫn lộn trong các khái niệm cơ bản này, dẫn tới mục tiêu đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN chưa rõ ràng, không phù hợp với DN trong kinh tế thị trường; gây khó khăn trong việc tách bạch, phân định chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với DN có vốn nhà nước, với chức năng quản trị kinh doanh của DN có vốn nhà nước”, ông Cung nói.

Hệ quả là, theo ông Cung, DNNN phải chịu “một cổ đa tròng” bị trói chặt không thể làm gì được, dẫn tới mất quyền tự chủ kinh doanh đúng như bản chất vốn có của một DN trong khi các cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu chật vật, không an tâm thực hiện quyền của mình.

Theo ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Quản lý DN, việc sửa đổi Luật  69 đang được thảo luận thẳng thắn. Nhóm các quy định về vốn nhà nước: khái niệm, quan điểm về vốn nhà nước đầu tư tại DN: trước, trong và sau quá trình đầu tư, quyền quản lý, sử dụng, định đoạt vốn tại DN là một trong năm nhóm vấn đề sẽ nghiên cứu sâu.

Ngoài ra, các vấn đề như phạm vi DNNN, quản trị DNNN, cơ cấu lại, đổi mới DN có vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và nhóm quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DN có vốn nhà nước đang được thảo luận. Theo kế hoạch, dự thảo sửa đổi Luật 69 sẽ được hoàn tất trong năm 2021.