Gỡ nút thắt tín dụng và đất đai

Dù được xác định là đầy tiềm năng nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện còn ở mức khiêm tốn. Nếu không có được gói chính sách phù hợp, đặc biệt chính sách về đất đai và tín dụng, rất khó để tính đến việc áp dụng khoa học công nghệ vào những dự án nông nghiệp có quy mô lớn.

Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Một trong những địa phương được đánh giá là "hiện tượng nông nghiệp" của Việt Nam, với những con số biết nói, đó chính là Sơn La. Thời gian qua, Sơn La đã tạo dựng được sức hút cho mình, được các doanh nghiệp lựa chọn làm địa điểm rót vốn đầu tư, trong chế biến nông sản như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)... Toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, tăng tám nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015.

Để đạt được những kết quả nổi bật trên, Sơn La đã chuyển từ chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" sang "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" bằng các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế để phát triển lực lượng sản xuất. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Sơn La được vạch rõ như phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo và phát triển năng lượng sạch.

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ: chiến lược thu hút đầu tư của Sơn La lấy nguồn vốn ngoài ngân sách là động lực chủ yếu, tạo động lực phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực, từng bước nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô theo chiều sâu; tập trung ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, có năng lực tài chính. Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc.

Trong khi đó, với ưu thế vượt trội về điều kiện tự nhiên, cơ chế ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được đa dạng nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 200ha diện tích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0 với những giải pháp phù hợp để tăng năng suất và giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã cho doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm; có những trang trại trồng hoa cao cấp cho doanh thu lên đến 24 tỷ đồng/ha/năm. "Quỹ đất sản xuất hạn hẹp, trong khi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi diện tích đất lớn. Việc thuê đất ở Lâm Đồng là một vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp bởi giá thuê đất, giá thuê đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh cao hơn nhiều lần so nơi khác. Đây là trở ngại lớn đối với Lâm Đồng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao", ông S nhấn mạnh.

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều địa phương, phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn vướng nhiều "rào cản".

Thí dụ, trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành 164 mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Điều đáng nói, trong số đó, mới chỉ có một mô hình được công nhận là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, thành phố vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND thành phố cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương…

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho rằng: Còn rất nhiều khó khăn đặt ra đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khi triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là về nguồn vốn, đất đai, các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, khó vận dụng vào thực tế. 

Gỡ nút thắt tín dụng và đất đai -0
Mỗi con bò được gắn chíp điện tử kết nối với máy tính và điện thoại để theo dõi tình hình sức khỏe nhằm điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp. 

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn18%, cao hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tới cuối quý III/2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,2%; chiếm tỷ trọng khoảng 25,1% tổng dư nợ.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực song việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp vẫn còn những thách thức như: tài sản bảo đảm, khâu thẩm định, đánh giá; thủ tục vay còn rườm rà, phức tạp; thời gian vay ngắn. Bên cạnh đó, rủi ro đối với lĩnh vực này rất khó lường, do phụ thuộc vào những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh…; trong khi cơ chế phòng ngừa, khắc phục rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được phát triển tương xứng, phần nào ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn khi gặp rủi ro. Hạn chế về vốn khiến việc đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất giống, công nghệ sản xuất, chế biến và đào tạo nhân lực bị thiếu hụt.

Do đó, theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt là chính sách về tín dụng và đất đai. Đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn và được thực thi hiệu quả. Việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách chính là "chìa khóa" mở "cánh cửa" nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại.