Giật mình với con số!

Nếu đúng theo kế hoạch, trong tháng 10 này, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Ðiện VIII). Vào cuối tháng chín, Bộ này cũng đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch Ðiện VIII và tổ chức hội thảo lấy ý kiến nốt chín chương còn lại của quy hoạch. Trước đó hai tháng, chín chương đầu tiên đã được trình bày tại hội thảo lần một. Ðiều khiến giới chuyên gia và chính các phóng viên theo dõi ngành ấn tượng chính là con số tăng thêm của tổng công suất nguồn của hệ thống. Theo tính toán trong giai đoạn 2020 - 2030, sẽ có thêm 80.000 MW, một con số đáng kể so với gần 60.000 MW hiện đang có.

Với dự kiến này, các nguồn điện lớn (điện than, khí và LNG) sẽ tăng thêm khoảng 30.000 MW; điện gió các loại và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng 30.000 MW. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Bởi vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện mới được cho là vấn đề rất quan trọng, cần tập trung nghiên cứu để có giải pháp phù hợp.

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền bắc vào miền nam như trước đây, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần với hướng ngược lại.

Việc nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực cũng đã có chủ trương, tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện cũng chưa đạt được như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện.

Ðiều đáng nói, quy mô nguồn điện gồm tất cả các nguồn điện hiện có và đã được đăng ký hiện là khoảng 2.200 dự án với tổng công suất 220 GW (220.000 MW) và hiện nhiều vùng, nhiều tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn nhiều so với phụ tải của vùng và tiểu vùng. Ðang có sự mất cân đối khi có quá nhiều nguồn điện đăng ký tập trung tại miền trung và miền nam. Ðó là chưa kể, đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả các nguồn đăng ký này đều được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW (dư 162%).

Nhìn tổng thể, Quy hoạch Ðiện VIII được xây dựng trong điều kiện nhiều chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hay Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất trên toàn quốc chưa được phê duyệt hay xây dựng xong. Ðiều đó dẫn đến câu hỏi về tính hiện thực của việc cân đối các nguồn điện được nêu ra tại Quy hoạch Ðiện VIII.

Vậy muốn để một bản quy hoạch có sức sống, có hiệu quả khi đưa vào triển khai, thực hiện, đáp ứng sự mong mỏi của những cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện lực, sẽ đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù đi kèm. Bởi đó, xét đến cùng là điều kiện tiên quyết, để có thể triển khai thành công các dự án điện, nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.