Động lực mới cho đầu tàu phía nam

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã lựa chọn TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên để đến làm việc ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn. Trong phát biểu của mình tại đây vào ngày 13-5, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mong muốn TP Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTĐPN) để thành phố nói riêng và vùng KTTĐPN nói chung tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò đầu tàu kinh tế quan trọng nhất cả nước.

Muốn phát triển mạnh mẽ vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần phải giải bài toán đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: CTV
Muốn phát triển mạnh mẽ vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần phải giải bài toán đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: CTV

Tốc độ đang giảm dần 

Mặc dù là vùng phát triển năng động nhất nước, nhưng xu hướng tăng trưởng và phát triển của vùng KTTĐPN đang giảm dần. Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của vùng KTTĐPN giai đoạn 2016-2019 đã giảm đáng kể so giai đoạn 2011-2015 (từ 7,0%/năm xuống còn 6,6%/năm). Bên cạnh đó, tuy tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của vùng KTTĐPN năm 2019 là 25,3%, lớn nhất so với các vùng  kinh tế trọng điểm (KTTĐ) của cả nước, song việc thu hút vốn FDI không đồng đều giữa các tỉnh trong vùng KTTĐPN, dẫn đến sự bất bình đẳng trong nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng. Theo đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu trong thu hút vốn FDI, chiếm bình quân hằng năm khoảng 30% tổng vốn FDI của Vùng trong giai đoạn 2015-2019, tiếp đó là tỉnh Bình Dương với bình quân 25,6%, Đồng Nai 17,8%. Trong khi đó, nguồn vốn FDI vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng giảm rõ ràng và đáng kể.

Nhìn chung, các tỉnh trong Vùng KTTĐPN có mức độ phát triển kinh tế khác biệt nhau rất lớn. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai có khoảng cách phát triển khá lớn so với các tỉnh còn lại. Đáng lưu ý, khoảng cách phát triển giữa các tỉnh không có dấu hiệu thu hẹp theo thời gian.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhóm nghiên cứu từ Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) do TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM làm Trưởng nhóm nhận định, mức độ đầu tư cho vùng chưa tương xứng với yêu cầu là một nguyên nhân quan trọng. 

Tỷ lệ ngân sách được giữ lại - trong đó phần lớn được dành để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - của các địa phương trong vùng này, còn thấp hơn nhiều so các địa phương miền bắc có cùng quy mô kinh tế. Các tỉnh công nghiệp chung quanh TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại 36% và 47% số thu ngân sách, trong khi các tỉnh công nghiệp chung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83%, và 98%. 

TP Hồ Chí Minh, tuy có đóng góp ngân sách cao nhất, nhưng tỷ lệ được giữ lại đang thấp nhất cả nước, chỉ là 18%. Chỉ trong cuộc họp giữa tháng 5 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ mới bày tỏ đồng tình nâng lên mức 23%.

Một trong những hệ quả nhãn tiền là hệ thống giao thông trong vùng đang ngày càng quá tải. Ùn tắc xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng trên một số tuyến giao thông, cả quốc lộ và nội đô, đặc biệt là chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và các cụm cảng biển tại thành phố này. Cũng dễ hiểu, bởi toàn vùng KTTĐPN mới chỉ có 91 km đường cao tốc (chiếm 11% tổng chiều dài đường cao tốc cả nước). Cần nhớ rằng, số lượng doanh nghiệp và lượng hàng hóa vận tải vùng KTTĐPN gấp lần lượt là sáu lần và năm lần so với vùng KTTĐ bắc bộ.

Gia cố và tạo mới liên kết 

Lý giải nguyên nhân cho sự “chậm lại” kể trên - TS Nguyễn Đình Cung nhận xét, tuy đã có Hội đồng vùng, nhưng vùng KTTĐPN thiếu một cơ chế điều phối cấp vùng (liên tỉnh) thật sự cho việc tạo lập và duy trì một chính sách, kế hoạch và môi trường thực hiện nhất quán. Các quyết định đầu tư độc lập của mỗi tỉnh trong vùng làm mất đi lợi ích tổng thể của vùng và làm trầm trọng thêm các vấn đề như tắc nghẽn, ô nhiễm, quy hoạch sử dụng đất kém hiệu quả, thiếu kết nối.

Công nhận một số thành tựu có được từ việc tạo lập và vận hành Hội đồng vùng, nhưng chuyên gia này cho rằng, một khi hệ thống 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội giống nhau vẫn còn được áp dụng cho tất cả các địa phương, thì chính quyền các địa phương sẽ phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư, nhằm lo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng của “tỉnh nhà” trước hết. 

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, nhu cầu của các địa phương trong vùng cũng chưa gặp nhau, chưa tận dụng được “quan hệ vùng” để tạo đà phát triển cho mình và cho toàn khu vực. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh nằm cận kề hai trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng ngành dịch vụ hàng đầu của TP Hồ Chí Minh là buôn bán bất động sản; còn dịch vụ logistics chỉ xếp thứ 5, trong khi dịch vụ logistics (phục vụ chế tạo sản xuất) lẽ ra có thể bổ trợ rất tốt cho Bình Dương và Đồng Nai… 

Tuy đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, hoạt động của Hội đồng vùng KTTĐPN có những hạn chế nhất định. Theo TS Nguyễn Đình Cung, đồng chí Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐPN) từng thừa nhận rằng, Hội đồng vùng, cũng như Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐPN, không thể chỉ huy điều hành một cách có hiệu quả, nhất là trong phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng; chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, hoạch định những chính sách riêng biệt cho toàn vùng để thống nhất thực hiện. 

“Chỉ khi có một cơ chế hiệu quả về thỏa thuận điều phối vùng và đô thị, mới có thể khai mở hết tiềm năng kinh tế của cực tăng trưởng này”, ông Cung nói và gợi ý “xem xét, quy định về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy nhân sự và nguồn tài chính cho Hội đồng vùng theo hướng tăng cường quyền năng cho cơ chế này, với người đứng đầu là Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng”. 

Chia sẻ quan điểm với TS Cung, TS Vũ Thành Tự Anh (Trường ĐH Fulbright Việt Nam) cũng nêu vắn tắt những yếu tố mà ông cho là sẽ tạo thêm động lực cho vùng KTTĐPN phát triển tương xứng tiềm năng: tạo ra thể chế quản trị vùng hiệu quả - tháo gỡ nút thắt hạ tầng, bắt đầu bằng hạ tầng giao thông và muốn như vậy thì phải xem xét bố trí ngân sách thỏa đáng.

Vùng KTTĐPN được thành lập năm từ năm 1998, khởi điểm với bốn tỉnh, thành phố (gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) và đến năm 2009 đã mở rộng thành tám tỉnh, thành phố. Là vùng kinh tế - xã hội có mức độ đô thị hóa và kinh tế sôi động nhất, GRDP của vùng này hiện chiếm khoảng 37-39% GDP cả nước trong giai đoạn 2016-2020.