Điểm sáng ngoại thương, nông nghiệp

Kim ngạch xuất nhập, khẩu cả nước năm 2021 vượt mốc kỷ lục 600 tỷ USD ngay trong bối cảnh vô vàn khó khăn của dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế khi các chỉ số đều vượt xa mục tiêu đề ra.

Hoạt động xuất, nhập khẩu tại khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Ảnh: T. Bình
Hoạt động xuất, nhập khẩu tại khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Ảnh: T. Bình

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Đánh giá về thành tựu của hoạt động xuất nhập khẩu những năm gần đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế đối ngoại nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có nhiều đối tác lớn với thương mại song phương lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ USD/năm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU)...

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kết thúc 11 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 301,7 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,7 tỷ USD so cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 300,3 tỷ USD, tăng 27,9%, tương ứng tăng 65,5 tỷ USD so cùng kỳ năm ngoái. Tức là chỉ sau 11 tháng của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đã chính thức vượt kỷ lục 600 tỷ USD, đạt 602 tỷ USD. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức 1,5 tỷ USD. "Hoạt động xuất, nhập khẩu mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19, song dự báo Việt Nam vẫn lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đáng chú ý, số ngành hàng lọt top tỷ đô ngày càng tăng cao. Nếu năm 2011, số lượng ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là 21 nhóm, trong đó chỉ dệt may đạt kim ngạch hơn 14 tỷ USD. Nhưng hết tháng 11 của năm 2021, đã có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có bảy nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, chuyển từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… sang các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc…

Tạo dư địa tăng trưởng cho nông nghiệp

Tính đến hết tháng 11, sản lượng lúa cả nước đạt 41,2 triệu tấn và dự kiến hết năm nay sẽ đạt 43,3 triệu tấn. Như vậy, riêng lĩnh vực lúa, gạo không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu đặt ra (chỉ tiêu là 40 triệu tấn). Hay lĩnh vực chăn nuôi năm nay phấn đấu đạt 6,2 triệu tấn thịt, 16 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa thì đến hết tháng 9 đã đạt 4,7 triệu tấn thịt, hơn 14 tỷ quả trứng và gần 900 nghìn tấn sữa… Về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 43,48 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 46-47 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021 được đánh giá là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Do đó, Bộ đã chỉ đạo tập trung các giải pháp để tạo ra dư địa xuất khẩu lớn. Những tháng 7, 8, 9, khi tiêu thụ nông sản gặp khó do tác động của dịch Covid-19, hai tổ công tác đặc biệt của Bộ đã kịp thời được thành lập, trực tiếp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch. Nhờ đó, ngay trong những ngày khó khăn nhất, nông sản không xuất khẩu được nhưng vẫn tìm được đường tiêu thụ hiệu quả ở thị trường nội địa. Đến tháng 10, khi dịch dần được kiểm soát, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tăng trưởng trở lại.

Riêng 11 tháng qua, xuất khẩu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt kim ngạch 8,4 tỷ USD. Riêng nhóm ngành rau quả xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với tổng kim ngạch ước đạt 1,8 tỷ USD (chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam). Tuy nhiên, những ngày qua, khủng hoảng ùn ứ nông sản ở Lạng Sơn một lần nữa cho thấy cần những hoạch định chính sách thích hợp cho xuất khẩu nông sản. Cụ thể là tạo ra động lực thật sự cho dòng tiền đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản và quy mô để vươn đến những thị trường giá trị cao.

Theo chuyên gia ngành nông nghiệp, để bảo đảm hoạt động xuất khẩu nông sản ngày càng bền vững, các vùng nuôi, vùng trồng cần được quản trị theo chuỗi từ cây giống, con giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, tem nhãn mác và xúc tiến thương mại. Mặt khác, hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến nông sản với 68 nhà máy quy mô lớn đã được xây dựng trong 5 năm qua với giá trị gần 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản khép kín. Đồng thời, nhanh chóng chuyển đổi số trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước, giúp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nền kinh tế đã có hai năm sóng gió khi dịch Covid-19 với những biến chủng mới liên tục xuất hiện. Tuy nhiên, trong khó khăn, các doanh nghiệp vẫn tìm được lối đi riêng, chắt chiu và tận dụng hiệu quả những cơ hội, dù nhỏ bé. Đây cũng là lý do giúp các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nông nghiệp vẫn đạt được kết quả tăng trưởng tích cực, tạo đà cho sự phát triển mạnh hơn giai đoạn tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.