Dự án 50 nghìn ha cao-su ở Gia Lai

Đi không được, ở không xong

Sau hơn 10 năm, dự án chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao-su trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhìn chung đã thất bại. Hàng chục nghìn ha cây cao-su sinh trưởng kém, bị chết đã, đang làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao, bế tắc. Thêm nữa, việc một diện tích lớn đất bị hoang hóa, cây cỏ chết khô không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng...

Dự án diện tích đất nghèo chuyển sang trồng cao-su giờ đây chỉ còn thấy bạt ngàn cây cỏ dại bị nắng nóng, thiếu nước dẫn đến chết khô.
Dự án diện tích đất nghèo chuyển sang trồng cao-su giờ đây chỉ còn thấy bạt ngàn cây cỏ dại bị nắng nóng, thiếu nước dẫn đến chết khô.

Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"?

Hun hút hai bên đường dẫn đến khu trồng cao-su của Công ty TNHH MTV Bình Dương ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, những ngày này là một khung cảnh hoang vắng đến xót xa. Bạt ngàn cỏ dại chết khô, đâu đó chỉ còn sót lại vài cây khộp đứng trơ trọi. Một người dân cho hay, đây là khu vực dự án trồng cao-su của Công ty TNHH MTV Bình Dương có diện tích hơn 2.000 ha cao-su, nhưng giờ thì có đến hơn nửa diện tích cao-su đã... chết, chỉ có người dân mót củi tìm đến những khu vực này!

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Từ Ngọc Thông cho biết: Huyện là một trong số địa phương thực hiện chủ trương được Chính phủ cho phép chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo kiệt tại tỉnh Gia Lai sang trồng cao-su. Trên địa bàn có chín DN tham gia thực hiện dự án chuyển đổi, với tổng diện tích đất được giao, cho thuê hơn 22 nghìn ha, riêng diện tích đất đã trồng cao-su hơn 17 nghìn ha (trong đó hơn 11 nghìn ha bị chết, kém phát triển).

Theo khảo sát, ghi nhận của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, sở dĩ hơn 15 nghìn ha cao-su dù đã thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nhưng vẫn bị chết và kém phát triển là do đất xấu, lập địa rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp tầng đất canh tác, điều kiện khí hậu khắc nghiệt... Điều đó dẫn đến, tất cả các mục tiêu ban đầu dự án đặt ra như: sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số... đều chưa đạt được!

Không những vậy, hiện các DN bị "mắc kẹt", đứng ngồi không yên trước nguy cơ diện tích với hàng nghìn ha bị bỏ hoang, cây cỏ khô lâu ngày nếu không may bị cháy thì sẽ nhanh chóng lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến các khu vực đang trồng cây, thậm chí lan sang đến cả khu vực dân cư. Được biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các DN phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ kiểm tra, ứng trực phòng, chống cháy rừng hoặc xâm lấn đất đai ở những diện tích được giao trồng cao-su. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, đại diện các DN đều cho rằng, hơn 10 năm qua họ đã đổ một lượng vốn lớn vào đầu tư trồng cao-su, chăm sóc (đó là chưa nói đến trả lãi ngân hàng hằng tháng). Do vậy, đến giờ phút này, DN suy kiệt, không còn khả năng trả lương hay thuê lao động túc trực hằng ngày, hằng giờ tại rẫy để phòng cháy rừng được...

Để tìm giải pháp tháo gỡ trước mắt, tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các DN nghiên cứu chuyển đổi những diện tích trồng cao-su bị chết, kém phát triển sang trồng cây ăn quả, và các sản phẩm khác. Đơn cử, tại huyện Chư Prông, một số DN như Công ty TNHH MTV Cao-su Chư Păh đã đề xuất xin chuyển đổi diện tích cao-su chết và kém phát triển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày; hay Công ty TNHH MTV Cao-su Trung Nguyên, xin chuyển đổi diện tích 860 ha để đầu tư trồng cây ăn quả và trồng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi... "Tính đến nay, hiệu quả từ việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chưa đánh giá được, bởi quy trình trồng phải ít nhất sau 3-5 năm đầu tư, chăm sóc kiến thiết cơ bản. Do vậy, trong thời gian tới... phải chờ "mưa thuận gió hòa" có sản phẩm thu hoạch mới đánh giá được kết quả, đó là chưa nói đến có đầu ra tốt hay không nữa!", một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Chư Prông phân tích.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nông nghiệp khuyến nghị, việc chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng cây ăn quả, hay cây công nghiệp... khó thành công vì phần lớn diện tích đất rất xấu, khí hậu khắc nghiệt; mùa khô cạn kiệt nước, còn mùa mưa đất lại bị úng, không thoát nước... "Quá trình chuyển đổi chỉ nên ở phạm vi nhỏ, tại những nơi đã được kiểm định thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Còn những diện tích đất xấu thì nên chăng cho phép chuyển đổi sang phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) để đỡ lãng phí tài nguyên!", vị chuyên gia nông nghiệp nêu quan điểm.

Khẩn trương tháo gỡ cho DN

Đem những bế tắc, lo lắng của các DN trao đổi với ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai được biết, thời gian vừa qua lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc khảo sát, đánh giá lại những diện tích cao-su kém hiệu quả, bị chết và đưa ra những phương án, giải pháp để hỗ trợ DN tháo gỡ tình trạng khó khăn nêu trên.

Hiện một số DN đã mạnh dạn đề xuất với tỉnh, Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi diện tích cao-su trồng trên đất rừng nghèo bị chết, kém hiệu quả sang triển khai dự án điện mặt trời (ĐMT), chăn nuôi, hoặc trồng cây ngắn ngày... Theo ông Hoàng Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (KDHXKQĐ), công ty đã thử nhiều phương án để trồng các loại cây thay thế cao-su, tuy nhiên "thiên không thời, địa không lợi", cho nên công sức, tiền của đổ vào đều thất bại. Do đó, DN đã trình gửi lên tỉnh và các cấp có thẩm quyền sớm cho DN chuyển 1.000 ha diện tích cây cao-su bị chết sang triển khai dự án ĐMT và 400 ha chuyển đổi sang thực hiện đầu tư dự án chăn nuôi. "Theo khảo sát của các đơn vị chuyên môn thì vùng đất ở Chư Prông có lợi thế để triển khai ĐMT vì có hệ số quang năng tốt; địa thế đất bằng phẳng, không bị vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thuận lợi đường dây đấu nối; không bị bão lũ; không bị nước biển ăn mòn tấm pin...", ông Trung khẳng định.

Trong khi đó, theo tính toán của đơn vị tư vấn điện, với điều kiện quang năng trên địa bàn tỉnh Gia Lai với một ha tính sơ bộ để cho lắp đặt 1MW ĐMT sẽ cho sản lượng điện thu được 1.508.000 kWh/năm. Nếu tính với mức giá điện 7,09 uscent/kWh (tương đương 1.655 đồng/kWh), thì mỗi MW công suất lắp đặt sẽ có doanh thu tiền điện mỗi năm khoảng 2,4 tỷ đồng. Do đó, nếu được đầu tư khai thác sớm, mỗi MW điện hằng năm sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương với số tiền thuế VAT khoảng 249 triệu đồng; chưa kể thuế thu nhập DN, các khoản lợi ích xã hội khác như tạo công ăn việc làm; phát triển nguồn NLTT, góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Việc phát triển nguồn NLTT ở Gia Lai hiện nay phù hợp chủ trương phát triển các nguồn năng lượng sạch của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động chuyển đổi diện tích đất đã cho các DN thuê để trồng cao-su sang thực hiện dự án NLTT và thực hiện trồng rừng thay thế ở các khu vực khác được đánh giá không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất ở địa phương. Vấn đề này, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh và có Thông báo kết luận tại Văn bản số 474/TB-VPCP ngày 25-12-2018 của Văn phòng Chính phủ, giao cho Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này đến nay vẫn còn vướng nhiều thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển năng lượng và các vấn đề có liên quan, đơn cử như các dự án xin chuyển đổi sang triển khai ĐMT thì việc chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế (chuyển đổi diện tích một ha phải trồng mới một ha rừng thay thế, hay một ha phải trồng mới ba ha) đến nay vẫn chưa... có kết luận. Đặc biệt, sau nhiều lần tỉnh Gia Lai gửi công văn xin chủ trương, kết luận đến hai bộ chủ quản để trả lời dứt điểm cho các DN, "quả bóng trách nhiệm" vẫn được đá qua lại giữa Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT!?

Sau hơn 10 năm, các DN thực hiện dự án trồng cao-su trên đất rừng nghèo bị chết, kém phát triển ở Gia Lai vẫn trong tình trạng vô cùng khó khăn, bế tắc. Từng ngày trôi qua, các DN ngóng chờ các cấp có thẩm quyền sớm có kết luận về việc trồng rừng thay thế và có cơ chế tháo gỡ, chấp thuận hồ sơ đề xuất chuyển đổi diện tích đất trồng cao-su bị chết, kém phát triển sang thực hiện mục tiêu đầu tư NLTT, chăn nuôi, cây ngắn ngày... để "giải cứu" cho dự án trồng cao-su hiện tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo niềm tin cho DN đối với địa phương.

Theo Báo cáo kết quả kiểm tra dự án của Sở NN&PTNT Gia Lai, tổng diện tích các DN đã trồng cao-su trên địa bàn tỉnh là hơn 25 nghìn ha, trong đó diện tích cây cao-su phát triển bình thường hơn 9.800 ha; diện tích cao-su kém phát triển, bị chết hơn 15 nghìn ha. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao-su Chư Păh có hơn 2.362 ha bị chết, kém phát triển; Công ty TNHH MTV Cao-su Chư Sê 2.175 ha; Công ty KDHXKQĐ hơn 2.164 ha...