Đa dạng hóa nguồn lực, phát triển hạ tầng giao thông

Sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Quảng Ninh sẽ là địa phương có chiều dài đường cao tốc dài nhất cả nước, khoảng 180km. Nhờ đi tiên phong trong việc kết hợp giữa đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, tỉnh Quảng Ninh đã gỡ được "nút thắt" vốn đầu tư hạ tầng.

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2022.
Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2022.

Mảnh ghép hoàn chỉnh

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có tổng chiều dài gần 80,2km, quy mô bốn làn xe ô-tô với vận tốc tối đa 120km/h. Dự án được chia làm hai dự án thành phần, gồm: tuyến Vân Đồn-Tiên Yên, dài 16,08km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh; và tuyến Tiên Yên-Móng Cái dài 63,26km, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 4/2019, đến nay các hạng mục thi công gần như đã hoàn thành.

Ông Ninh Thế Thương-Phụ trách hiện trường thi công của Công ty cổ phần Lizen, đơn vị tham gia thi công (từ Km 82+909 đến Km 87+080) chia sẻ: "Chúng tôi bắt đầu thi công từ tháng 2/2021. Quá trình thi công, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn như: dịch Covid-19; địa hình đầm lầy, nền đất yếu; giá vật liệu xây dựng tăng cao… Vượt qua mọi khó khăn, đơn vị đã hoàn thành các hạng mục chính, đang tiến hành lắp đặt các công trình phụ trợ như: hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, sơn kẻ đường, hàng rào bảo vệ cao tốc… để đưa dự án về đích trong tháng 6 này".

Ông Nguyễn Tiến Oánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn cho biết: "Trong vòng 24 tháng, đơn vị phải nỗ lực để hoàn thành 63km đường cao tốc, trong đó có tới 25 cây cầu. Các nhà thầu nhận được sự quan tâm, sát sao của các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch, bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công; nhưng cũng chính vì thế mà nhà thầu chịu áp lực rất lớn về tiến độ công trình. Do đó, để hoàn thành dự án đúng tiến độ theo mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, mỗi ngày, chúng tôi duy trì trên công trường hơn 700 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động và huy động tổng lực máy móc, thiết bị để thi công, bố trí các ca làm đều đặn, kể cả những ngày nghỉ lễ, Tết".

Là địa phương có 23km đường cao tốc đi qua, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Vũ Đức Hưởng chia sẻ: "Cùng với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại trên địa bàn huyện, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, mang tính đột phá, tạo động lực cho huyện Vân Đồn. Giúp đẩy mạnh phát triển ngành logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển để đưa Vân Đồn trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực nhằm phát triển lĩnh vực dịch vụ hiện đại đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…".

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá tương đối hoàn chỉnh, hiện đại, liên thông tổng thể với các phương thức vận tải đa dạng, bảo đảm kết nối nhanh với khu vực và quốc tế. Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được ví như mảnh ghép cuối cùng để hoàn chỉnh tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay (khoảng 600km). Đây cũng là hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía bắc.

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Bên cạnh hệ thống đường bộ cao tốc, Quảng Ninh cũng chú trọng đầu tư các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển; điển hình như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo hình thức BOT với quy mô cấp 4E, công suất 2,5 triệu hành khách/năm, 10 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng vốn đầu tư 7.600 tỷ đồng, đã được hoàn thành đưa vào khai thác từ 30/12/2018, là cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với thế giới. Dự án đường bao biển kết nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả với quy mô sáu làn xe, sử dụng vốn ngân sách để đầu tư với khoảng 5.600 tỷ đồng là tuyến giao thông kết nối trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh là TP Hạ Long với trung tâm kinh tế công nghiệp của tỉnh-TP Cẩm Phả.

Quảng Ninh thành công trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long theo hình thức xã hội hóa, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Vào tháng 10/2021, cảng biển tổng hợp Vạn Ninh có tổng mức đầu tư giai đoạn một trên 2.248 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng tại TP Móng Cái, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV năm 2024… Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong giải quyết thủ tục về quy hoạch, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, có các chính sách hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư… được thể hiện rõ trong các dự án ở tỉnh Quảng Ninh.

Chia sẻ về kinh nghiệm huy động vốn xã hội hóa qua thực tế triển khai các dự án, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho biết: Trong điều kiện các dự án hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, việc tiếp cận vốn vay ODA ngày càng khó khăn vì nhiều điều kiện ràng buộc, địa phương đã xác định: Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công; đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công-quản lý tư" và "đầu tư tư-sử dụng công theo hình thức PPP".

"Trung bình, cứ một đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh huy động được từ tám đến chín đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư. Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước làm vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức PPP. Xây dựng cơ chế khắc phục triệt để tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kéo dài, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược…", ông Hải cho biết thêm.

Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2020, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 46.297 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực giao thông có bảy dự án với tổng vốn 43.099 tỷ đồng.