Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh

Có hay không tình trạng “đem con bỏ chợ”?

Ngày 22-7 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ra văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT các địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hư hỏng hằn, lún các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do tình trạng “đá quả bóng trách nhiệm trong giao - nhận công trình” xảy ra tại quốc lộ 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh, người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với nguy cơ mất an toàn.

Cục Quản lý đường bộ II khẩn trương huy động công nhân, phương tiện cào bóc những đoạn bị hằn lún.
Cục Quản lý đường bộ II khẩn trương huy động công nhân, phương tiện cào bóc những đoạn bị hằn lún.

Nguy cơ mất an toàn giao thông
 
 Quan sát của phóng viên Báo Nhân Dân tại thực địa cho thấy, nhiều vệt hằn, lún vệt bánh xe (HLVBX) kéo dài khoảng 100 m ở cả hai chiều xe lưu thông trên toàn tuyến Quốc lộ (QL) 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh. Nhiều đoạn, bê-tông nhựa bị dồn lại tạo thành từng “luống khoai” trên mặt đường. Cá biệt, có những điểm đoạn bị trồi lên có độ chênh từ 15 - 25 cm so với mặt đường.
 
 Theo phản ánh của lái xe, thường những “luống khoai” như thế này khiến người điều khiển bị mất lái, dễ xảy ra tình huống xe bị lao xuống ruộng hoặc đâm vào các phương tiện lưu thông khác. “Cực chẳng đã, nhiều lái xe phải tìm cung đường khác để chạy, mặc dù biết sẽ phải đi xa gấp nhiều lần so với chiều dài của tuyến tránh”, lái xe Hoàng Trọng Hải ở thị trấn Cày (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bức xúc.
 
 Theo Chi Cục trưởng Quản lý đường bộ II.3, Võ Trường Giang, trong quá trình kiểm tra hiện trường, đơn vị nhận thấy một số tồn tại trong công tác bảo dưỡng thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Không chỉ mặt đường xuống cấp, mà khe co giãn mố phía nam của cầu Đông (Km 6+421) cũng bị hư hỏng, nứt vỡ bê-tông, mặt cầu xuất hiện nhiều ổ gà. Lề cao cục bộ nhiều đoạn chưa được bạt lề, không bảo đảm thoát nước mặt đường khi trời mưa, cỏ mọc cao quá quy định không được cắt tỉa, hệ thống ATGT biển báo bẩn, cây cối che khuất biển báo, vạch sơn mờ, cọc tiêu, cọc H, cột Km toàn tuyến không được vệ sinh, quét vôi sơn làm mất khả năng phát huy tác dụng. Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đấu nối đường nhánh QL trái phép chưa được ngăn chặn kịp thời khiến nguy cơ mất ATGT ngày một cao.
 
 Đồng quan điểm trên, đại diện Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh cho biết, QL 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, tình hình trật tự ATGT diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đoạn qua các nút giao thông. Đặc biệt trên tuyến một số vị trí nút giao cắt là ngã ba, ngã tư chưa được lắp đặt đèn tín hiệu, phạm vi nút giao rộng, bị che khuất tầm nhìn, số lượng phương tiện lưu thông lớn, tạo thành điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
 
 Dùng dằng giao - nhận
 
 QL 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài 16 km được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong nước. Dự án do Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (gọi tắt Công ty Sông Đà trực thuộc Tổng công ty Sông Đà) triển khai thi công từ năm 2005, đến năm 2009 dự án được đưa vào vận hành, khai thác.
 
 Theo hợp đồng BOT, ngày 1-1-2009 chủ đầu tư dự án tiến hành thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên). Dựa vào tính toán của Tổng cục Đường bộ (TCĐB), có thể thấy đến thời điểm ngày 21-2-2019, dự án đã được hoàn vốn (bao gồm vốn đầu tư, chi phí quản lý vận hành, bảo trì trong giai đoạn vận hành, khai thác). Việc thu phí tại dự án này cũng được kết thúc đúng thời điểm 0 giờ 0 phút ngày 21-2-2019 (trước đó, ngày 15-2-2019, TCĐB đã ra thông báo dừng thu phí dự án). Theo Đại diện Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ (TCĐB) cho biết, do chưa chốt được phương án tài chính nên sau khi dừng thu phí, Công ty Sông Đà vẫn phải tiếp tục công tác quản lý, bảo trì công trình bảo đảm vận hành thông suốt, an toàn đến thời điểm bàn giao công trình dự án.
 
 Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Luật, Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà lại bảo lưu quan điểm, mốc thời gian dừng thu phí được tính là thời điểm kết thúc dự án. Vì vậy, tuân thủ hợp đồng BOT, dự án phải được bàn giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. “Từ khi dừng thu phí, doanh nghiệp (DN) không thể thu xếp được nguồn kinh phí để thực hiện được yêu cầu tiếp tục duy tu, bảo trì dự án của TCĐB”, ông Luận khẳng định.
 
 Do không thống nhất được giữa các bên, nên từ tháng 11-2019 đến nay, công tác quản lý, bảo trì công trình dự án không được triển khai thực hiện, khiến cho đoạn đường này xuống cấp nghiêm trọng, ông Võ Trường Giang cho biết.
 
 Đi tìm “trọng tài”?
 
 Theo Trưởng phòng Kinh tế, kế hoạch (Công ty Sông Đà), Phạm Văn Hào, sở dĩ quá trình bàn giao, tiếp nhận dự án bị kéo dài do những bất đồng trong quá trình quyết toán nguồn vốn đầu tư dự án giữa TCĐB và DN thực hiện dự án. Dự án đầu tư xây dựng QL 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh đã được TCĐB thỏa thuận quyết toán với tổng giá trị 673,986 tỷ đồng. “Mức giá này thấp hơn 25 tỷ đồng so với các nội dung cần quyết toán mà chúng tôi đã đưa ra. Nhất là sau nhiều lần chúng tôi kiến nghị, tiến hành rà soát, đàm phán, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, do đó việc chuyển giao công trình theo hợp đồng BOT vẫn chưa được thực hiện”, ông Hào thừa nhận.
 
 Được biết, trong khi việc thương thảo, điều chỉnh, thanh lý và kết thúc hợp đồng còn dang dở, TCĐB đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về việc khẩn trương giải quyết các nội dung vướng mắc về việc chuyển giao công trình dự án và nguồn kinh phí quản lý, bảo trì và trông coi bảo vệ tài sản trạm thu phí sau khi dự án tạm ngừng thu phí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những vướng mắc, phát sinh nêu trên vẫn chưa được xử lý giải quyết dứt điểm. Điều đó dẫn tới quả bóng trách nhiệm quản lý đối với QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh hiện vẫn bị đùn đẩy và tiếp tục chờ... sự vào cuộc của Bộ GTVT!?
 
 Cũng qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay công tác chuyển giao một số công trình dự án được đầu tư theo hình thức BOT đang gặp phải những khó khăn tương tự do các bên tham gia hợp đồng không thống nhất được kết quả quyết toán, thanh lý hợp đồng! Vì vậy, để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, rất cần sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm giữa các bên tham gia BOT, nhất là vai trò “trọng tài” của Bộ GTVT trong quá trình xử lý, giải quyết các vướng mắc, tồn đọng nêu trên. 
 

 Mới đây, Cục Quản lý đường bộ II (TCĐB) đã tổ chức thi công cào bóc những đoạn bị hằn, lún, những điểm sống trâu, vá lại ổ gà... Tuy nhiên, theo đại diện Cục thì, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời để trước mắt bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh.