Bài học đắt giá

LTS - Vẫn có cơ hội đấu tranh để bảo vệ nhãn hiệu gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua trước việc bị một số công ty gạo nước ngoài đăng ký bảo hộ tại thị trường Mỹ. Xin giới thiệu đến bạn đọc góc nhìn từ hai nhà quản lý chung quanh bài học đắt giá rút ra được từ vụ việc này.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công thương

Sẽ thí điểm hỗ trợ DN bảo hộ sở hữu trí tuệ

Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ hiển thị, hiện có năm hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra", của bốn doanh nghiệp (DN). Như vậy, đến thời điểm này, thương hiệu gạo ST25 vẫn chưa bị mất tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, muốn giữ được thương hiệu, ông Hồ Quang Trí phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi dự thi chất lượng gạo quốc tế. Mặt khác, DN phải thật sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu, chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.

Về phía Bộ Công thương, sẽ gia tăng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò thương hiệu, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu. Giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, đăng ký bảo hộ kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định của WTO.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)

Tránh việc bị động trong hội nhập

Rất may, sản phẩm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đã được đăng ký bảo hộ về mặt giống. Ðây là căn cứ pháp lý quan trọng để chúng ta bám vào nếu buộc phải có những tranh chấp trong bảo vệ thương hiệu sau này. Hiện Cục đã phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong nước cho sản phẩm gạo ST25. Cục cũng đã phối hợp các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ để làm rõ sự việc. Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ KH-CN, Bộ Công thương để xử lý trong trường hợp xảy ra tranh chấp và sẽ hỗ trợ tối đa cho DN trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.

Qua sự việc này, tôi mong cộng đồng DN cần ý thức việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình ngay từ quá trình bắt đầu. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền sản xuất hàng hóa lớn cần phải làm quen với việc bảo vệ thương hiệu, bởi đây là công đoạn vô cùng quan trọng với nền kinh tế mở như Việt Nam. Từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước thông qua cơ quan quản lý nhà nước là Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN), riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức. Ðơn cử như gạo ST25, trong trường hợp muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ chúng ta phải đăng ký với cơ quan thẩm quyền tại Mỹ bởi việc đăng ký bảo hộ tại Việt Nam không có tác dụng bảo hộ với thị trường Mỹ.

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới, các DN xuất khẩu cần phải có bộ phận tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là các luật sư, chuyên gia pháp lý am hiểu luật pháp quốc tế, trong trường hợp này nên nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn và bảo vệ thương hiệu cho DN. Bên cạnh đó, các kênh tham tán, các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cần phải thường xuyên nắm bắt và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các DN khi phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết về mặt thương hiệu, pháp lý và thủ tục để tránh việc bị động trong việc hội nhập.

Hạnh Nga (thực hiện)