Áp lực lớn nhất là lạm phát kỳ vọng

Có nhiều yếu tố cho thấy áp lực lạm phát cao ngày càng tăng. Song, cho đến lúc này các chuyên gia cho rằng lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát nếu chúng ta hóa giải áp lực bằng cách kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ để kỳ vọng lạm phát giảm, không gây sức ép lên điều hành chính sách.

Khách hàng mua nhiên liệu tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: ANH SƠN
Khách hàng mua nhiên liệu tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: ANH SƠN

Kẹt trong thế cầu kéo và chi phí đẩy

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 đã tăng 1% so tháng trước, tăng 1,42% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so tháng 12/2021. Bình quân hai tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Lạm phát đang chịu áp lực tăng khá lớn của cả yếu tố "cầu kéo" và yếu tố "chi phí đẩy" do nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố cơ bản khiến CPI tháng 2 tăng nhanh là xăng dầu. Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng ngoài dự báo, vượt 100 USD/ thùng và nguồn cung dự kiến sẽ còn khan hiếm. Giá xăng dầu tăng cao là yếu tố đẩy chi phí sản xuất, tiêu dùng tăng theo. Cùng với đó, thế giới, trong đó có kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại nhịp sống sau hai năm "chiến đấu" và giờ là sống chung an toàn với dịch Covid- 19. Nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng… phục vụ sản xuất theo đó gia tăng, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được nối lại đầy đủ, thậm chí có nguy cơ đứt gãy thêm đã, đang gây áp lực đẩy giá tăng trên phạm vi toàn cầu. Lạm phát đã tăng rất mạnh ở nhiều nền kinh tế lớn khiến Ngân hàng Trung ương các nước thực hiện sớm kế hoạch thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, việc triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay dự báo cũng tạo ra những áp lực từ phía tổng cầu, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng giá.

Nhiều sức ép khiến lạm phát tăng, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), phần lớn các hoạt động đầu tư mới - những hoạt động được hưởng lợi từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam thì cho rằng, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ quản lý giá các mặt hàng thiết yếu đến điều tiết cung-cầu tiền tệ phù hợp diễn biến thị trường trong nước và thế giới.

Lạm phát kỳ vọng - bóng ma quá khứ

Giá cả hàng hóa tăng trong khi thu nhập giảm, tỷ lệ không nhỏ người lao động chưa có hoặc chưa quay lại làm việc; cộng thêm những bất ổn do dịch bệnh và biến động của địa chính trị thế giới sẽ tác động lớn đến kỳ vọng lạm phát của người dân. Đây là yếu tố khó đoán định và kiểm soát.

Bóng ma lạm phát đang phủ khắp châu Âu, Mỹ và đang lan sang cả các nước châu Á. Tháng 1/2022 Bộ Lao động Mỹ công bố CPI ở Mỹ vào tháng 12/2021 đã tăng 7% so cùng kỳ năm 2020. Đây là tốc độ tăng theo năm nhanh nhất kể từ năm 1982. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) một số nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có tỷ lệ lạm phát đặc biệt cao như: Estonia 12%, Lithuania 10,7%, Latvia 7,7%, Tây Ban Nha 6,7%, Bỉ 6,5%, Hà Lan 6,4%, Đức 5,7%...

Với Việt Nam, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) hai tháng đầu năm mới ở mức 0,67%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát, đặc biệt là bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để bình ổn giá. Đối với xăng dầu, ước tính, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%, trong khi khiến tăng trưởng GDP sụt giảm khoảng 0,5%. Do đó, trước mắt cần sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu; và nếu giá dầu thế giới tiếp tục theo xu hướng tăng cần tính đến phương án điều chỉnh các mức thuế liên quan xăng dầu.

Theo chủ trương của Chính phủ, đầu tư công sẽ là trụ cột của Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế 2022-2023. Do đó, cùng với việc triển khai sớm, hiệu quả các dự án hạ tầng lớn, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng năng lực hạ tầng cơ sở cho kinh tế các địa phương phát triển… thì việc cân đối cung tiền từ ngân sách với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần rất nhịp nhàng.

Thực tế từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chính sách tiền tệ đã được sử dụng một cách hiệu quả cho mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và góp phần tăng trưởng kinh tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm mạnh lãi suất điều hành ba lần vào năm 2020 và tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng thì dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Từ cuối năm 2021 lãi suất huy động đã bắt đầu tăng. Nếu mặt bằng giá cả tiếp tục tăng, CPI có nhịp tăng nhanh, ngân hàng sẽ khó duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay. Lãi suất tăng tất yếu lạm phát kỳ vọng tăng cao sẽ xuất hiện.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, việc mở rộng quy mô tín dụng qua các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì không chỉ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ trong việc cung ứng tiền từ Ngân hàng Nhà nước mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung-dài hạn cũng như làm méo mó thị trường lãi suất, thị trường tín dụng. Thực tế năm 2010, việc triển khai các gói hỗ trợ lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng đã khiến lạm phát tăng lên tới 11,8%.

Những bài học kinh nghiệm trong quá khứ và thành công trong điều hành chính sách những năm gần đây là cơ sở cho các nhà quản lý vững vàng theo đuổi những mục tiêu Chính phủ đề ra. Song quan trọng nhất là những quyết sách của họ cũng phải tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào khả năng phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.