Phục hồi từ đại dịch  

Chống Covid, phải vượt qua nỗi sợ!

Tuần trước có 12 ca dương tính được phát hiện trong số những người về Hà Nội từ các tỉnh miền nam. Sáng chủ nhật có thêm năm ca dương tính nữa về từ vùng dịch. Ðương nhiên, đây là một vấn đề cần được quan tâm đúng mực, song chúng ta phải ứng xử trước những thông tin này như thế nào, khi mà Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra được một tuần, chính thức hóa chủ trương chiến lược chuyển dịch sang giai đoạn thích ứng an toàn với SARS-CoV-2? 

Chốt kiểm dịch Covid-19 tại khu vực cầu Ða Phúc (Thái Nguyên), tiếp giáp TP Hà Nội. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG
Chốt kiểm dịch Covid-19 tại khu vực cầu Ða Phúc (Thái Nguyên), tiếp giáp TP Hà Nội. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Cái cần thay đổi là tư duy

Khác với chủ trương "zero Covid" - triệt tiêu hoàn toàn các ca lây nhiễm trong cộng đồng, sống chung và thích ứng an toàn nghĩa là chúng ta thừa nhận việc hoàn toàn không có virus nữa là không thể đạt được, cần phải chấp nhận sự hiện diện của nó, có thể tạm lắng, nhưng cũng có thể trở lại và phát sinh các ca lây nhiễm mới. Thực tế, các nước có độ phủ vaccine gần như tuyệt đối vẫn có những giai đoạn bùng phát các ca nhiễm mới và thế giới đã khẳng định vaccine không giúp chúng ta miễn dịch cộng đồng, mà chỉ có thể làm giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Ðiều đó có nghĩa là, chúng ta phải chuyển dần từ trạng thái lo lắng, thậm chí hoảng loạn khi có một ca F0 được phát hiện, sang tâm thế bình tĩnh đón nhận, siết chặt hơn các giải pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và nỗ lực giữ vững nhịp sống, sinh hoạt, lao động sản xuất và kinh doanh.

Quan điểm này đã được xác định khá rõ ràng trong tinh thần Hội nghị Trung ương 4 đầu tháng 10 vừa qua, thể hiện cụ thể trong Nghị quyết 128, Quyết định 4800/QÐ-BYT của Bộ Y tế và mới đây là Quyết định 10906/QÐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, cũng như những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng được biết đến qua truyền thông. Nhưng, sự đón nhận, điều hành của các địa phương vẫn in đậm dấu vết của tư tưởng "zero Covid", những di chứng từ các biện pháp khắt khe được thực hiện hơn một năm qua. Sự chậm trễ của các địa phương trong việc triển khai theo tinh thần Nghị quyết 128, hoặc phải điều chỉnh chính sách sau khi bị thổi còi hoặc phản ứng của công chúng, cho thấy một thái độ rất dè dặt, nếu không nói là bảo thủ trước yêu cầu thay đổi trong phương thức phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 16/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình ra Văn bản số 2571, hướng dẫn thích ứng an toàn, trong đó có quy định không chỉ định xét nghiệm với người đi qua các chốt, chỉ khai báo y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đến sáng 18/10, tất cả người đi từ Hà Nội về TP Ninh Bình vẫn bị yêu cầu cách ly tập trung hoặc quay xe...

Ông Ðặng Hữu Lục, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Ninh Bình chia sẻ với báo chí, "hiện nay tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có quyết định mới thay thế quyết định cũ về việc áp dụng biện pháp cách ly". Một người dân ở Ninh Bình đang cần đưa người nhà ra Hà Nội chữa trị cho hay, hiện địa phương chưa có một hướng dẫn nào khác, khi trở về, thay vì cách ly, có thể sẽ được đưa riêng vào một khoa ở bệnh viện trong 14 ngày. Một hình thức lách luật.

Ở Thái Nguyên, bất chấp việc đã có văn bản, đài truyền hình tỉnh cũng thông báo bỏ xét nghiệm, nhưng người đến chốt Thịnh Ðán vẫn bị bắt đóng tiền test nhanh bình thường. Người trực chốt vẫn đưa ra một văn bản quy định từ ngày 26/9. Theo tiêu chí của Quyết định 4800, Hà Nội tuyên bố cấp độ 1, là vùng xanh, nhưng với các tỉnh này, họ mặc định Hà Nội là vùng dịch, là vùng cam hay vàng.

Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo: "Triển khai Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên".

Chuyển dịch từ thụ động sang chủ động

Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 thật ra đã trao quyền cho người dân chủ động phòng, chống dịch. Trước đây, chúng ta thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào tắt-bật chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương, mà sự thay đổi nhiều khi chỉ tính bằng giờ. Còn bây giờ, một bộ tiêu chí (cho dù mới ở trạng thái tạm thời) đã được xây dựng, với các chỉ số mà mỗi người dân có thể tự biết, tự hiểu được nơi mình sống sẽ duy trì trạng thái hay thay đổi sang cấp độ chống dịch mới, cùng với đó là một loạt hành vi, hoạt động sẽ phải thay đổi tương ứng.

Sống chung an toàn với virus không có nghĩa là chúng ta để mặc kệ nó tự do lây lan. Nghị quyết 128 được áp dụng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự biết bảo vệ mình. Nếu như trước đây, chúng ta tự nhốt mình lại trong các pháo đài, phong tỏa, tự nhủ rằng virus không có đường xâm nhập, thì sống chung nghĩa là chấp nhận nó đang ở đâu đó quanh chúng ta, rất có thể đi cùng với dòng người di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Giải pháp 5K càng phải được tăng cường, cùng với đó là các biện pháp tự chữa trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và việc gia tăng theo dõi, kiểm tra, phản ứng nhanh của chính quyền. Rất có thể, rồi đây, công việc của chính quyền các địa phương sẽ khó khăn hơn, nhưng sẽ không phải hao tốn nguồn lực xã hội để "ngăn sông cấm chợ", và trên hết, người dân có thể kết nối lại cuộc sống, chặn lại sự suy kiệt của kinh tế.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương, nói: "Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi". Công cuộc chống dịch của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới. Sự thành công của chính sách mới phụ thuộc vào sự thay đổi trong tư duy và năng lực vượt qua nỗi sợ hãi của cả người dân và chính quyền ■

Có lẽ chưa bao giờ tình trạng cát cứ lại nghiêm trọng đến thế, mỗi tỉnh, thành phố lại có những quy định riêng, thậm chí trái chiều, mâu thuẫn nhau. Ở cấp độ quận, huyện lại có những cách áp dụng khác nhau, linh hoạt, tùy thuộc vào nhận thức của cán bộ tại chỗ, hoặc cách giải thích các văn bản của cấp trên.

LÊ QUỐC VINH