Thanh Thủy “Làn nước xanh” mời gọi

NDO -

Khác với con sông Hồng nặng đỏ phù sa bền bỉ bồi đắp những bờ bãi ven sông màu mỡ, dòng Đà Giang luôn gầm gào, băng ngàn, sẻ núi trong cơn giận dữ ngàn đời của thủy tinh đã giúp tạo nên nguồn ánh sáng từ thủy điện. Để rồi xuôi về hạ lưu, làn nước trong xanh lững lờ đã mang lại cho vùng tả ngạn một mỏ nước khoáng nóng ẩn chứa dưới lòng đất - nguồn tài nguyên vô giá được kỳ vọng sẽ biến huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) trở thành một điểm nhấn du lịch đầy quyến rũ du khách trong một tương lai rất gần. 

Hồ Suối Rồng (Thanh Thủy, Phú Thọ). Ảnh: XUÂN CHƯƠNG
Hồ Suối Rồng (Thanh Thủy, Phú Thọ). Ảnh: XUÂN CHƯƠNG

Tục truyền rằng, vùng đất bãi ven sông Đà là nơi phát tích của Tản Viên Sơn Thánh - một trong “tứ bất tử” của người Việt cổ. Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà mỗi con dân đất Việt đều thuộc nằm lòng ấy còn lưu dấu tại ngôi đền Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy). Ngoài khu vực du lịch nghỉ dưỡng khai thác nguồn nước khoáng nóng đang dần được hoàn thiện, Thanh Thủy còn có cơ hội tạo không gian liên kết du lịch giữa đền Lăng Xương và một số đền chùa, danh lam thắng cảnh thuộc các xã trong và ngoài huyện, nhất là các di tích núi Ba Vì, Đá Chông thuộc Hà Nội và Xuân Sơn - Đền Hùng thuộc Phú Thọ.

Thanh Thủy có địa thế khá đẹp. Trước mặt là đồng bãi phù sa màu mỡ chạy sát tới bờ sông Đà, trải dài trên ba chục cây số. Sau lưng tựa vào vùng đồi xen với những dải núi đá vôi cuối cùng từ các xã Hương Cần, Tất Thắng, Cự Thắng, Thạch Khoán... (Thanh Sơn) chạy ra nối tiếp với các xã Phượng Mao, Trung Nghĩa, Sơn Thủy, La Phù... (Thanh Thủy). Khí hậu bốn mùa mát mẻ, phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Thanh Thủy cũng hấp dẫn người mê du lịch nhờ những lễ hội đặc trưng đậm sắc mầu nền văn minh lúa nước, gắn chặt với những tín ngưỡng nguyên thủy, huyền bí ẩn chứa những sắc thái địa văn hóa dị biệt (như hội bơi chải làng Đoan Hạ, hội rước kiệu đền Lăng Xương, lễ cầu bánh chay ở Đình Chòm, lễ kéo lửa nấu cơm thi và lễ rước voi Đào Xá, lễ cướp cây bông ở đình La Phù...) hay những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống (như hát chèo, hát xoan ghẹo, hát văn Lạc Việt, diễn tấu cồng chiêng, múa rối...).

Thanh Thủy phấn đấu đến 2015 sẽ có cơ cấu dịch vụ du lịch chiếm 25% tổng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ. Tới thời điểm 2020, huyện sẽ phát triển nhanh và mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng nước khoáng nóng; du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù... với lượng du khách dự kiến 50.000 lượt/năm, thu hút từ một đến hai nghìn lao động trực tiếp phục vụ du lịch.

Mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy được tạo thành và vận động theo các khe đứt gãy sâu dưới lòng đất với diện tích trên một cây số vuông, trữ lượng gần 20 triệu m3. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học, nguồn nước khoáng nóng này có nhiệt độ trung bình khoảng từ 37 độ C đến 43 độ C, cao nhất là 53 độ C. Trong nước khoáng có nhiều chất vi lượng như: Natri, Canxi, Magie, đặc biệt có nhiều hàm chất Radon quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh. Nó không chỉ công hiệu trong việc chữa các bệnh ngoài da mà còn có khả năng thúc đẩy tuần hoàn, lưu thông máu, có lợi cho tim, giúp con người có một làn da khỏe đẹp, hồng hào. Đặc biệt những ai bị đau xương khớp hay làm việc nhiều, chân tay thấy mệt mỏi, rã rời chỉ cần tắm ngâm khoảng 30phút/ lần cùng kết hợp xoa bóp, bấm huyệt và thực hiện trong khoảng thời gian nhất định sẽ thấy bệnh thuyên giảm đáng kể.

Để du lịch vùng đất Tổ có thể phát triển tương xứng với tiềm năng vàng sẵn có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 17, nhiệm kỳ 2010 -2015 đã khẳng định: “Tạo bước phát triển vượt bậc về du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế trung tâm vùng; tập trung cao cho đầu tư hạ tầng và sản phẩm du lịch”. Ban thường vụ Huyện ủy Thanh Thủy cũng đã ra Nghị quyết “Về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020”, trong đó đề ra phương hướng: “Đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, gắn liền với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Hướng tới mục tiêu xây dựng vùng kinh tế năng động của tỉnh”. Thanh Thủy phấn đấu đến 2015 sẽ có cơ cấu dịch vụ du lịch chiếm 25% tổng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ. Tới thời điểm 2020, huyện sẽ phát triển nhanh và mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng nước khoáng nóng; du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù... với lượng du khách dự kiến 50.000 lượt/năm, thu hút từ một đến hai nghìn lao động trực tiếp phục vụ du lịch.

Chục năm về trước, chẳng ai dám nghĩ nơi đây sẽ “thay da, đổi thịt” nhờ ngành công nghiệp không khói.

Chục năm về trước, chẳng ai dám nghĩ nơi đây sẽ “thay da, đổi thịt” nhờ ngành công nghiệp không khói. Từ ngày thực hiện nghị quyết của tỉnh rồi của huyện, đặc biệt là từ khi phát hiện nguồn tài nguyên nước khoáng nóng quý báu và những sản vật ẩm thực phong phú, đa dạng như “dê núi đá, cá sông Đà, gà ri đồi sỏi”, Thanh Thủy đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và du khách thập phương tìm về. La Phù - trung tâm hành chính của huyện, từ một xã nghèo thuần nông đã nhanh chóng thay đổi bộ mặt để trở thành thị trấn ven sông khá sầm uất. Các dự án đã, đang và sẽ thổi luồng gió mới cho Thanh Thủy gồm có: Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù; Khu du lịch sinh thái hồ Phượng Mao, đầm Bạch Thủy, hồ Suối Rồng; Khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù; tuyến du lịch văn hóa - tâm linh - lịch sử truyền thống - khám phá bản sắc văn hóa dân tộc vùng Yến Mao - Phượng Mao... Nhờ vậy, trong sáu tháng đầu năm 2013, doanh thu dịch vụ - du lịch của huyện ước đạt 28,618 tỷ đồng, bằng 28,8% kế hoạch năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến Thanh Thủy những ngày này, du khách được chứng kiến sự chuyển mình hối hả của cả một vùng đất giàu nội lực. Trên cồn đất hoang vu giữa Đà giang cuộn chảy, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cùng Vườn thú hoang dã và công viên giải trí Đảo Ngọc của Công ty cổ phần Ao Vua với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang tấp nập đón số lượng khá lớn du khách ghé thăm. Đường quốc lộ 32, quốc lộ 2 khiến việc di chuyển từ trung tâm Thủ đô đến với các điểm vàng du lịch Phú Thọ chỉ còn mất một hai giờ đồng hồ. Đúng ngày 19-5-2013, cây cầu Đồng Quang vắt qua sông Đà, kết nối tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Phú Thọ cũng được chính thức làm lễ khởi công tại xã Đồng Luận (Thanh Thủy) và dự kiến sẽ thông xe đúng hai năm sau.

Nói như nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: “Ngày xưa tiền nhân hẳn chẳng vô tình khi đặt tên Thanh Thủy. Nước kết lên linh hồn, nước là điểm tựa cho Thanh Thủy thăng hoa, khởi tiến”. Và “làn nước xanh” ấy đang cất lên tiếng hát mời gọi du khách tìm về, khám phá và trải nghiệm hè này.

Thanh Thủy “Làn nước xanh” mời gọi ảnh 1

Bể bơi nước khoáng nóng tại Thanh Lâm resort.