Gỡ “nút thắt” trong hoạt động logistics

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu và có hoạt động giao thương hàng hóa sôi động nhất cả nước. Vậy nhưng, hạ tầng logistics còn nhiều điểm yếu, hạn chế, khiến chuỗi cung ứng chưa phát huy hết vai trò, thiếu năng lực cạnh tranh. Thời gian tới, thành phố đưa ra chiến lược tổng thể nhằm nâng cao vị thế của logistics, đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh, thành phố phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Dịch vụ logistics còn nhiều điểm nghẽn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Dịch vụ logistics còn nhiều điểm nghẽn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Bộc lộ nhiều điểm nghẽn

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, doanh thu dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 14%/năm. Năm 2021, ngành logistics chiếm 8,9% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng này chưa như kỳ vọng do ngành logistics của thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Cũng theo dự báo đến năm 2025, tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua TP Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 20 triệu TEU, đến năm 2030 lên đến hơn 26 triệu TEU. Để thực hiện tốt chiến lược đề ra, thành phố đã có đề án phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp từ 10-12% GRDP. Một trong những giải pháp đó là hình thành và phát triển bảy trung tâm logistics. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một khu vực đang trong các bước lựa chọn nhà đầu tư, sáu khu vực còn lại đang vướng hạ tầng kết nối.

Về hạ tầng logistics, TP Hồ Chí Minh tập trung đầy đủ các loại hình như cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga hàng hóa. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 cảng cạn (ICD) đang hoạt động với hơn 1,1km cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn. Tuy nhiên, hạ tầng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như hệ thống đường bộ, đặc biệt đường vành đai 2, 3 và 4 chưa hoàn chỉnh, ùn tắc giao thông thường xuyên trên các tuyến đường kết nối vào cảng. Về hệ thống kho bãi, thành phố có tổng diện tích 63ha kho bãi với 1.505 kho hàng, trong đó, 520 kho của doanh nghiệp sản xuất. Xét trên bình diện chung, các kho hàng và trung tâm phân phối tại khu vực TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng thu hẹp do hạn chế quỹ đất, được chuyển dần về tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, nơi có quỹ đất dồi dào hơn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh, chi phí logistics của thành phố những năm qua đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn ở mức mà doanh nghiệp phàn nàn. Ngành hàng có chi phí logistics khá cao là thủy, hải sản với chi phí logistics chiếm 25-30% tổng chi phí. Chi phí logistics các ngành hàng khác ghi nhận ở mức trên dưới 10% tổng chi phí.

Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có hai điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics thành phố là hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực.

Về hạ tầng logistics, gồm có hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics. Về hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông bắc - nam, đông - tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía nam. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Phan Công Bằng, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa hai chiều giữa thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng tiềm năng.

Trao đổi ý kiến về phát triển các trung tâm logistics, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện mới có Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (6ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu. Trong khi đó, cũng trên địa bàn thành phố, các dự án “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Đối với điểm nghẽn thứ hai về phát triển nguồn nhân lực, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có số lượng các trường đào tạo từ bậc trung cấp, cao đẳng, đại học đến sau đại học cao nhất cả nước. Thành phố cũng là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước. Vì vậy, thành phố là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành phố. “Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng tiềm năng phát triển của thành phố”, bà Phan Thị Thắng thẳng thắn nhìn nhận.

Cần chiến lược tổng thể và dài hạn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia logistics, để khơi thông nguồn lực logistics, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được tổng hòa lợi ích.

Để tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn logistics và bảo đảm những mục tiêu đã đề ra, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cần tiếp cận logistics ở góc độ tổng thể với cách nhìn dài hạn gắn liền các hoạt động đa dịch vụ vận tải, kho bãi, đóng gói, kiểm định, giao nhận hàng hóa,… trong chuỗi cung ứng từ khâu chuyên chở nguyên vật liệu đến từng nhà máy sản xuất, vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

TP Hồ Chí Minh cần khoảng 63.000 lao động logistics/năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực logistics, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, thành phố xác định hai nhiệm vụ chiến lược, đó là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ nhằm bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt, đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để có được đội ngũ và chất lượng nguồn nhân lực ngang bằng trình độ quốc tế. Mặt khác, cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để đào tạo lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh Đặng Thị Minh Phương cho rằng, để phát huy tốt nhất tiềm năng này trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho logistics. “Các trường đào tạo logistics cần xây dựng giáo trình đào tạo tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc gia. Chú trọng thu hút tuyển sinh ngành logistics để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp logistics giúp sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và ký kết chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng như cầu của doanh nghiệp”, bà Đặng Minh Phương gợi mở.

Theo Đề án phát triển logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố cần có bảy trung tâm logistics đạt chuẩn, với năng lực thông quan hàng hóa (TEUs) cao, cụ thể: Cát Lái 3.100.000 - 3.500.000 TEUs; Long Bình 2.500.000 - 3.000.000 TEUs; Hiệp Bình Phước 1.430.000 - 1.600.000 TEUs; Linh Trung 480.000 - 520.000 TEUs; Tân Kiên 450.000 - 500.000 TEUs; Khu công nghệ cao 300.000 TEUs; Củ Chi 282.150 - 319.770 TEUs.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển ngành logistics, thành phố đề ra nhiều giải pháp như phát triển doanh nghiệp logistics; giảm chi phí logistics; hợp tác, liên kết vùng; phát triển nguồn nhân lực logistics; chuyển đổi số hệ sinh thái logistics; hình thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong logistics; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về logistics.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định logistics là một ngành rất quan trọng, với mục tiêu trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, thành phố xác định ba trụ cột chính để phát triển ngành là xây dựng các trung tâm logistics, phát triển doanh nghiệp logistics và đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Thành phố đưa ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng, phát triển ngành logistics thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, từ đó, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ logistics của thành phố tương đương với các nước, trước hết là ngang bằng các nước châu Á”.