Gỡ khó cho nhà đầu tư

Cần có cơ chế, chính sách như thế nào để gia tăng số lượng và nâng cao hiệu quả các dự án điện rác? Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Gỡ khó cho nhà đầu tư

- Xin ông cho biết, đâu là những "rào cản" trong việc phát triển các dự án điện rác ở Việt Nam hiện nay?

- Có thể nói, quản lý và xử lý rác thải ở Việt Nam là một câu chuyện dài. Hiện nay, khoảng 63% lượng chất thải rắn thu gom được xử lý bằng chôn lấp; 16% được xử lý bằng ủ compost, phân vi sinh; 19% xử lý bằng phương pháp đốt, còn lại xử lý bằng các phương pháp khác.

Gần đây, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có nhiều tiến bộ, điển hình là một số nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để phát triển điện rác ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, về tính chất của rác: rác thải sinh hoạt ở Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn; độ ẩm cao, nhiệt trị thấp; rác thải ở một số khu du lịch ven biển đốt là không khả thi. Thứ hai, điện rác ở Việt Nam còn khá mới mẻ, theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà tư vấn, nhà đầu tư cần phải có thêm thời gian tiếp cận. Thứ ba, các dự án điện rác đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi lợi nhuận không cao, thời gian thu hồi vốn đầu tư kéo dài, chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn sự chồng chéo, giao thoa giữa các Bộ (Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…).

- Từ thực tế triển khai các dự án điện rác, có thể nhận diện những điểm bất cập gì trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thưa ông?

- Có thể kể đến một số nguyên nhân sau: Việc tiếp cận nguồn vốn vay đòi hỏi không ít điều kiện và nguyên tắc nhất định như phải có dự án được phê duyệt, được cấp giấy chứng nhận được đầu tư, được ký hợp đồng mua bán điện-PPA; có hợp đồng giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương về đơn giá xử lý rác, khối lượng xử lý, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý và hệ thống quan trắc trực tuyến bảo vệ môi trường đáp ứng quy định của pháp luật... Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, cũng như chính quyền địa phương còn phải tuân theo các quy định của luật và nghị định hướng dẫn về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư (thí dụ: về kinh nghiệm, năng lực nhà đầu tư-ít nhất đã từng thực hiện một dự án tương tự).

Việc thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, bất cập. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư yếu năng lực về vốn, khả năng huy động vốn, còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại phù hợp với rác thải chưa được phân loại tại nguồn như ở Việt Nam.

Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ chế khuyến khích thông qua giá bán điện sản xuất từ điện rác theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ ban hành tại Quyết định 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, và quy định về chi phí xử lý, thu gom, vận chuyển rác thải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi trả, và các cơ chế khuyến khích xử lý rác thải có liên quan.

Trình tự thủ tục đầu tư dự án điện rác còn phức tạp, với nhiều điều kiện ràng buộc, khiến nhà đầu tư gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, đến nay, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được phê duyệt, khiến nhiều dự án điện rác vẫn tiếp tục phải chờ…

- Theo ông, để bắt kịp xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần phải tập trung vào những giải pháp như thế nào?

- Để thúc đẩy, phát triển điện rác theo hướng hiện đại, bền vững, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: triển khai và giám sát thực thi các quy định chế tài xử phạt việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; tăng cường giám sát của cộng đồng nhằm thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn; ngoài ra cũng cần có quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp vận hành nhà máy điện rác để hạn chế các tác động bất lợi cho môi trường.

Quy hoạch nguồn nguyên liệu rác, bảo đảm nguồn cung cho các nhà máy điện rác. Hiện nay, việc quy hoạch nguồn nguyên liệu rác thải sinh hoạt theo địa giới hành chính cấp tỉnh là chưa hợp lý, cần quy hoạch theo khối lượng rác được tính bởi dân số, lượng phát thải khu công nghiệp; phù hợp khả năng chi trả của ngân sách từng địa phương và chủ nguồn thải.

Do lĩnh vực điện rác liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện rác, phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Các địa phương nên lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thông qua đấu thầu để nâng cao tính khả thi và hiệu quả các dự án.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt (hướng dẫn cụ thể về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư-PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…); rà soát, ban hành đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan; đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, góp phần hình thành ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!