Giúp người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

"Tổ 3 trên 1" là mô hình được hỗ trợ và giáo dục từ các thành viên Hội Cựu chiến binh (CCB), đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giúp đỡ những người lầm lỗi trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Hành trình tái hòa nhập rất cần sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng.
Hành trình tái hòa nhập rất cần sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng.

Đồng hành sát cánh của những CCB

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều người lầm lỗi trở về địa phương không tránh khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti trước cộng đồng. Để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này, tháng 6/2013, Hội CCB huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa phối hợp Công an huyện xây dựng mô hình "Tổ 3 trên 1". Mô hình này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc cảm hóa, giáo dục và hỗ trợ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Đỗ Ngọc Phúc, thôn Tỉnh Thôn, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân), là một trong những người như vậy. Thụ án xong, anh Phúc cho biết: “Khi trở về địa phương, tôi luôn có cảm giác người làng e dè, người thân lánh mặt”. Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và Hội CCB, anh Phúc đã được tạo điều kiện thuê đất, vay vốn để đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Nhờ sự chịu thương chịu khó, công việc làm ăn của anh ngày càng phát triển. Anh Phúc chia sẻ: "Nay, tôi luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương và đùm bọc của những người sống chung quanh, đặc biệt là Hội CCB xã Xuân Hòa”.

Nay có cửa hàng bán bánh pizza và đồ ăn nhanh, với thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, anh Lê Công An, xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2021, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh trở về với gia đình, mang theo không ít lo nghĩ “ai chơi với mình, mình chơi với ai”? Trong lúc khó khăn vì thiếu việc làm, cán bộ và hội viên CCB cùng Công an xã Hải Nhân đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ anh vượt qua khó khăn.

Xuất thân từ một gia đình khá giả, chị L.T.K, một phụ nữ sống tại phường Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), đã từng rơi vào cạm bẫy của ma túy và những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Khi bị gia đình cắt đứt tài chính, chị đã bán đồ trong nhà để có tiền mua ma túy. “Nhiều lần chứng kiến người thân khóc vì mình nghiện ngập, tôi muốn từ bỏ nhưng lúc lên cơn nghiện thì không còn đủ lý trí để thực hiện điều mình hứa,” chị K. cho biết.

Ông Lê Tiến Sơn, Chủ tịch Hội CCB phường Chánh Nghĩa, đã nhận thấy sự cần thiết phải giúp đỡ chị K. Ông đã bàn bạc với công an khu vực và thành lập một tổ 3 người để tiếp cận chị. Tổ cảm hóa đã đến thăm gia đình chị K. để làm công tác tư tưởng và dần dần tạo dựng niềm tin với chị.

Quá trình cảm hóa chị K. rất gian nan và kéo dài gần 9 tháng. Ban đầu, chị lánh mặt và từ chối tiếp xúc với tổ cảm hóa. Tuy nhiên, với sự kiên trì và chân thành của các thành viên trong tổ, cuối cùng chị đã đồng ý gặp gỡ và quyết định cai nghiện tại nhà. Chị hứa sẽ không tiếp xúc với bạn cũ và tự cai nghiện với sự hỗ trợ từ gia đình và tổ cảm hóa. Sau 9 tháng điều trị, chị K. đã thành công trong việc cai nghiện và hiện đang có cuộc sống ổn định hơn.

Mô hình cần được nhân rộng

Giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương lớn và rất quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, những năm qua, công tác này chưa được quan tâm đúng mức và còn gặp nhiều khó khăn, nên số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng chưa nhiều.

Tại huyện Thọ Xuân, trong 11 năm thực hiện mô hình, các CCB đã giúp đỡ hơn 100 đối tượng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội CCB huyện Thọ Xuân cho biết: "Hiện nay, toàn huyện đang duy trì hoạt động 295 tổ với 885 hội viên các xã, thị trấn trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ những người lầm lỗi đang thụ án tại địa phương sớm ổn định cuộc sống".

Mô hình "Tổ 3 trên 1" đã được triển khai tại TP Thủ Dầu Một, nhằm giúp đỡ những người lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng. Mô hình này bao gồm ba hội viên CCB tham gia trực tiếp quản lý, giáo dục và hỗ trợ một người lầm lỗi trong cộng đồng. Qua đó, mô hình không chỉ giúp người lầm lỗi hoàn lương mà còn tạo động lực cho những người khác có quá khứ tương tự vươn lên trong cuộc sống.

Ông Đỗ Văn Thành, Chủ tịch Hội CCB TP Thủ Dầu Một, đánh giá cao mô hình này: “Đây là mô hình ý nghĩa, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc”. Mô hình không chỉ giúp người lầm lỗi hoàn lương mà còn tạo động lực cho những người khác phấn đấu vươn lên”.

Ông Lê Văn Vân, Chủ tịch Hội CCB thị xã Nghi Sơn cho biết: "Sau khi chấp hành xong án phạt tù, họ thường mặc cảm về quá khứ và có tâm lý tự ti, xa lánh mọi người. Về mặt xã hội, đây là nhóm đối tượng thường chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng. Về mặt kinh tế, họ thường khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp và trình độ nghề nghiệp suy giảm so với trước khi phạm tội. Nếu không được quan tâm giúp đỡ kịp thời, họ rất dễ phạm tội trở lại".