Giữ rừng, giữ đất

Theo báo cáo có tựa đề “Giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp theo” mới được Khối Nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đưa ra, đối với khu vực châu Á, biến đổi khí hậu (BĐKH) được xác định là cuộc khủng hoảng của thế kỷ chứ không hẳn là đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay. Điều đáng nói,Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. TP Hồ Chí Minh nằm trong số các thành phố ở châu Á (cùng với thành phố Mum-bai - Ấn Độ, Thượng Hải - Trung Quốc, Băng-cốc - Thái-lan và Gia-các-ta - In-đô-nê-xia) đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. 

Cũng theo một công bố chung của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) và HSBC, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước có ngành nông nghiệp chịu nguy cơ rủi ro cao do bão gây ra. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, châu Á hiện giờ không chỉ là “nạn nhân” của tình trạng BĐKH mà còn là một tác nhân quan trọng gây nên hệ quả này. Đây là khu vực có tới 87% lượng khí nhà kính toàn cầu và lượng phát thải khí CO2 tăng 78% kể từ năm 1990. Trong đó, nạn chặt phá rừng trở thành một nguyên nhân chính của lượng khí phát thải lớn ở khu vực Đông - Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, thông tin về việc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) hợp tác với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên - Việt Nam (WWF - Vietnam) thực hiện dự án phục hồi rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau ở cực nam của đất nước, được đón nhận như việc tạo nên một mô hình ứng phó với BĐKH, từ đó đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng trong thực tế cũng như xây dựng chính sách sau này. Với 10 tỷ đồng đầu tư trong 5 năm, dự kiến 150 ha rừng ngập mặn tự nhiên sẽ được khoanh nuôi, tái sinh. Khi đạt đến tuổi trưởng thành, khu rừng ngập mặn này có thể hấp thụ và dự trữ ít nhất 20.000 tấn các-bon mỗi năm, làm giảm nồng độ khí CO2. Nó còn tạo nên vùng đệm giữa đất liền, biển và sông ngòi, giúp duy trì cũng như che chắn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khỏi các hiện tượng thiên tai. Ngoài việc giúp giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường xã hội, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030 theo Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH bằng nguồn lực quốc gia, hoặc giảm 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, dự án này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%. 

Những ngày này, chúng ta phần nào cảm nhận được cái giá quá đắt của BĐKH khi mà thiên tai liên tiếp đổ vào khu vực miền trung. Lẽ ra những thiệt hại về người và tài sản đã có thể giảm nếu như núi còn giữ được mầu xanh, những cánh rừng còn được bảo tồn và trồng mới tốt hơn. Đã đến lúc cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cấp độ quốc gia, cho đến các tỉnh, thành phố, từ mỗi doanh nghiệp và cá nhân nhằm kiến thiết và thực hiện được những giải pháp đúng đắn đối với thiên nhiên. Muốn góp phần đảo ngược sự mất mát đa dạng sinh học và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chỉ có một lựa chọn. Đó là việc nhân rộng những nguồn lực bảo vệ, cải thiện rừng đi đôi với bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân phải được coi là trọng tâm trong chiến lược phục hồi, đầu tư của quốc gia.