Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Giữ lửa và tiếp lửa

Trong bối cảnh đất nước còn phải nỗ lực vượt qua rất nhiều thử thách cả trước mắt và lâu dài, "lò chống tham nhũng" vẫn cháy rực. Song, thực tiễn sinh động cũng đang đòi hỏi, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm, bổ sung, củng cố thêm về mặt lý luận, hoàn thiện quy định, từ đó xác định phương hướng và những nhiệm vụ quan trọng cho thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Giữ lửa và tiếp lửa -0

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

"Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi… Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể".

Siết kỷ luật…

Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vừa được Bộ Chính trị tổ chức, với sự tham gia của gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80 nghìn đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn bốn nghìn điểm cầu trong cả nước có thể coi là một dấu mốc quan trọng, cho thấy ý thức trách nhiệm, tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao của toàn Đảng trong việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề này, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167,7 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.

Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44,7 nghìn tập thể, cá nhân sai phạm; đã thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng và gần 76 nghìn héc-ta đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý…

Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng suốt 10 năm qua cũng tạo nên những thành quả đáng kể trong công tác "xây", "xây để chống". Đó là, thể chế ngày một hoàn thiện, đạo đức công vụ, thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước được củng cố. Đã có tới hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế.

Đề cập vai trò người đứng đầu, trả lời báo chí trước thềm Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nói: "Tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của các đồng chí là chỗ dựa vững chắc, bảo đảm về mặt chính trị, tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua".

Xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ

Bàn về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, song song với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc của người cách mạng.

Với mục tiêu tổng quát: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa", Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung một số định hướng lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Đề cập tầm nhìn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông Lê Việt Trường-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần lựa chọn một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến thẩm quyền ra những quyết định cụ thể về nguồn lực, tổ chức cán bộ, đất đai, tài nguyên, tiền tệ... cần ưu tiên làm sớm, tập trung cao độ để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực "nhạy cảm", rút kinh nghiệm từ các vụ án cụ thể để tìm cách bịt lỗ hổng pháp lý.

Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh đến các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Trong từng giai đoạn khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. "Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn; để tiếp tục xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự trông đợi của nhân dân.