"Chủ phương tiện" là ai?
Những thứ xe cộ, thuyền bè, máy bay, tàu lượn, máy ủi, máy kéo, máy cày, cần trục, v.v... thường được gọi chung là những "phương tiện đi lại", "phương tiện giao thông", "phương tiện chuyên chở", "phương tiện vận tải" v.v...
Sự có mặt của những thuật ngữ có ngoại diên rộng như các thuật ngữ này là kết quả của những sự "đổi mới" hữu ích làm cho vốn từ vựng của chúng ta thêm phong phú, chính xác và đa dạng. Nói chung đây là một hiện tượng "tích cực", có ích trong sự phát triển của ngôn ngữ.
Tuy nhiên, người nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, do cái xu thế chung của các ngôn ngữ đơn lập, thường có xu hướng rút ngắn các thuật ngữ đa âm tiết lại cho gọn, càng ngắn càng tốt, mà không quan tâm lắm đến kết quả của việc rút gọn ấy(1).
Trong trường hợp cụ thể của hai chữ phương tiện (thường dùng thay cho phương tiện giao thông), ta thấy một danh ngữ có một tầm bao quát (ngoại diên) quá rộng, rộng đến nỗi không còn có thể chỉ một cái gì cụ thể nữa hết, nghĩa là chẳng còn có nghĩa gì hết. Cái gì mà chẳng là phương tiện?
Hễ có ai sử dụng một cái gì, một con gì, một cây gì hay một người nào để thực hiện một mục đích (một cứu cánh)(2) bất kỳ nào đó, thì cái vật đó, con vật đó hay con người đó lập tức trở thành phương tiện.
Vậy thì ta không nên dùng hai chữ phương tiện để gọi các phương tiện giao thông hay chuyên chở, trong khi vốn từ vựng tiếng Việt đã có ba - bốn từ rất thông dụng như xe, tàu, thuyền, bè, đò mà bất cứ người Việt nào cũng biết dùng và hiểu một cách hoàn toàn chính xác.
Ngược lại, những cụm từ như: Chủ phương tiện/ lái phương tiện/ chèo phương tiện/ điều khiển phương tiện/ thuê phương tiện/ cho thuê phương tiện/ bán phương tiện/ mua phương tiện/ hỏng phương tiện/ sửa phương tiện/ đổi chác phương tiện/ phương tiện vượt quá chiều cao quy định/ phương tiện quá rộng/ phương tiện quá chật/ đăng ký phương tiện/ tạm giữ phương tiện v.v..., v.v... mà ta thường nghe hay đọc thấy rất nhiều trên các cơ quan truyền thông đại chúng, đều là sai ngữ pháp và thật ra chẳng có chút nghĩa lý gì hết. Dù sao, những cách nói như vậy ít nhất nghe cũng rất thiếu tự nhiên và không dễ hiểu chút nào.
Trong khi đó, phương tiện giao thông, phương tiện vận tải, phương tiện chuyên chở, lại bị mọi người cho là quá dài, cho nên mới bỏ bớt hai chữ sau đi, đến nỗi phạm lỗi ngữ pháp và làm cho câu văn trở thành vô nghĩa.
Nên chăng dùng những từ ngữ quen thuộc
Chi bằng cứ thay những cụm từ kể trên bằng những từ ngữ quen thuộc như lái xe, lái thuyền, lái tàu, chủ xe, chủ thuyền, hỏng xe, hỏng thuyền, sửa xe, sửa thuyền, bán xe, bán thuyền, đăng ký xe, đăng ký đò, tạm giữ xe, tạm giữ thuyền, v.v... là hơn cả: Người đọc hay người nghe ai cũng hiểu và cũng thấy dễ nghe hơn, và không ai thấy cần bắt bẻ gì.
Chúng tôi không khỏi nghĩ rằng sở dĩ người ta thích nói phương tiện trong những văn cảnh như trên là vì nói thế nghe "oai" hơn, ra dáng "cửa quyền" hơn, và như thế là vô hình trung đã rơi vào một cái thói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kia, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (dưới bút danh X. Y. Z.) đã phê phán nghiêm khắc khi nghe cán bộ ta sính "nói chữ" chẳng qua vì muốn ra oai - đáng lẽ nói bàn bạc thì lại nói hội ý hội báo; đáng lẽ nói toa xe thì lại nói liệt xa đoạn; đáng lẽ nói đồ dùng dạy học thì lại nói giáo cụ trực quan, v.v...
(1) Thật ra, đó có lẽ là một xu hướng chung của mọi ngôn ngữ... Trong những thứ tiếng đa âm tiết và đa hình vị như tiếng châu Âu, ta cũng thấy có những kiểu rút gọn đến mức làm cho nhiều từ trở thành vô nghĩa về phương diện từ nguyên... Chẳng hạn như từ bus, một từ đã đi vào vốn từ vựng của khá nhiều ngôn ngữ Châu Âu, xét về từ nguyên chỉ là một vĩ tố ly cách (ablativus) của một số danh từ và tính từ tiếng Latinh, có lẽ được trích ra từ chữ omni-bus "(thứ phương tiện giao thông dành cho mọi người) trong đó bus chỉ là một hình vị ngữ pháp (inflectional ending) chỉ cách dativus chứ không có nghĩa từ vựng gì. Thế mà, do tính thông dụng, nó đã trở thành một từ độc lập, có nghĩa từ vựng hẳn hoi, lại còn tham gia vào việc cấu tạo những từ phái sinh như airbus, trolleybus v.v... (2) Hai chữ cứu cánh cũng hay bị dùng sai, chính là để chỉ phương tiện cứu vãn. Nhưng đây lại là một vấn đề khác mà có lẽ nhiều người đã nói giải quyết rồi. |