“Giữ chân” nhân tài

Sau gần 10 năm triển khai, việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt về làm việc trong khu vực công ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít trở ngại, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00

Tháng 11/2014, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND về thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại bốn đơn vị của thành phố (Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học-Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học). Với chính sách này, thành phố đã thu hút được 19 chuyên gia.

Khi thành phố chính thức triển khai chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công bằng Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND (tháng 9/2018) thì kết quả lại chưa được như kỳ vọng khi một số chuyên gia nghỉ việc. Đến đầu tháng 7/2019, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022.

Qua hai đợt thu hút, số chuyên gia vượt qua vòng thẩm định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đợt một (năm 2020), thành phố dự kiến thu hút 14 chuyên gia cho năm vị trí. Hội đồng tư vấn nhận được 14 hồ sơ nhưng qua các bước thẩm định chỉ còn lại năm người. Đợt hai (tháng 3/2022), thành phố dự kiến thu hút năm chuyên gia cho năm 2022, nhưng Hội đồng tư vấn chỉ nhận được hai hồ sơ...

Dễ dàng nhận thấy, thu nhập không tương xứng là lý do đầu tiên khiến khó thu hút được người tài. Theo quy định hiện nay, ngoài 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu, một giáo sư, phó giáo sư sẽ được nhận mức lương khoảng 14 triệu đồng/tháng, các trường hợp còn lại khoảng 13 triệu đồng/tháng. Đây được xem là cao so với mặt bằng chung của cán bộ, công chức nhưng lại quá thấp đối với một chuyên gia, nhất là chuyên gia đầu ngành. Nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc thu hút người tài, như môi trường làm việc, chỗ ở, phương tiện đi lại, muốn được sống cùng gia đình...

Theo các chuyên gia, cách thức và quy trình thu hút người tài còn cứng nhắc, nặng tính hành chính. Nhu cầu tuyển dụng người tài được thành phố giao lãnh đạo các sở, ngành rà soát nhiệm vụ được giao và đề xuất. Cách làm này bị ý chí chủ quan của lãnh đạo và cán bộ đơn vị tiếp nhận chuyên gia chi phối rất nhiều. Thủ tục tuyển dụng tốn rất nhiều thời gian, nhiều khi làm nản lòng chuyên gia...

Để thu hút được nhiều nhân tài, các chuyên gia cho rằng, cần tham khảo, xem xét áp dụng những mức lương ở các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta; chú trọng tạo được môi trường làm việc phù hợp với tính cách và mong muốn của người tài, trong đó có cả cơ chế quản lý công việc và con người.

Muốn vậy, trong quá trình tuyển dụng, bộ phận có trách nhiệm cần đối thoại cởi mở với từng chuyên gia để lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những nhu cầu, đề nghị dù là nhỏ của người tài, để từ đó đưa ra được các chính sách phù hợp. Cần có phương thức đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc phù hợp, linh hoạt để tạo động lực cống hiến cho các chuyên gia. Bên cạnh đó, nhu cầu và thông tin tuyển dụng người tài cần được đăng tải đầy đủ, chi tiết, cụ thể và thường xuyên được cập nhật trên các website chính thống của thành phố.

Thành phố nên thành lập một cơ quan kiểu như “Hội đồng quản lý người tài” cấp thành phố. Cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan để xác định nhu cầu tuyển nhân tài và thực hiện việc tuyển dụng, đánh giá người tài; là đơn vị (đầu mối) quản lý trực tiếp người tài nhằm có thể giảm bớt các thủ tục hành chính, giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh và hiệu quả hơn.