Mỗi trường học là một “doanh trại” phòng, chống dịch

NDO -

Không lễ kỷ niệm, không hoa, không quà, ngày 20/11 năm nay với các thầy, cô giáo ở huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trôi đi trong hối hả âu lo và bộn bề công việc. Bởi khi này, ngoài nhiệm vụ dạy và học, bảo đảm kiến thức cho đàn em thơ, các thầy cô còn phải lo bảo đảm an toàn phòng dịch cho các hàng chục nghìn học sinh từ lứa tuổi mầm non đến trung học cơ sở. 

Mỗi học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trần Văn Thọ đều cô giáo đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn tay trước khi vào trường.
Mỗi học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trần Văn Thọ đều cô giáo đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn tay trước khi vào trường.

Sáng 24/11, thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, mới sắp xếp được chút thời gian trao đổi nhanh về các phương án bảo đảm học tập trong toàn huyện. Thầy Phạm Thiết Chùy, cho biết: Toàn huyện có 35 trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, trong đó 23 trường có học sinh bán trú (học sinh ăn, ở tại trường từ thứ hai đến cuối ngày thứ sáu hằng tuần).

Tuy nhiên, gần đây khi địa bàn chính thức ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 tại 2 xã Chung Chải và Mường Toong thì ngay lập tức các trường học ở 2 xã này phải chuyển sang hình thức học trực tuyến và hình thức học tập khác phù hợp với điều kiện thực tiễn của học sinh. Theo đó, học sinh ở 2 xã Chung Chải, Mường Toong đã dừng đến trường từ ngày 20/11 để chuyển sang học trực tuyến hoặc hình thức học bằng cách phát phiếu bài tập theo tuần.

Học sinh các xã khác trong huyện vẫn đến trường học tập bình thường. Do vậy, công tác phòng, chống dịch cho các em trong trường, từ trường về nhà được các thầy, cô giáo hết sức quan tâm. Nhưng lo lắng nhất với các thầy cô chính là công tác phòng dịch cho học sinh bán trú, bởi nhà các em xa trường, hoàn cảnh khó khăn, cuối tuần lại đi bộ hàng chục cây số từ trường về nhà thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, trong khi gần đây Mường Nhé vẫn liên tục phát hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Thầy Phạm Thiết Chùy cho biết: Trừ 4 trường tiểu học, trung học cơ sở ở 2 xã Chung Chải, Mường Nhé dừng học trực tiếp, hiện còn 19 trường có học sinh bán trú vẫn duy trì học trực tiếp. Theo quy định, chế độ ăn của các em chỉ thực hiện từ thứ hai đến chiều thứ sáu; còn 2 ngày cuối tuần là thứ bảy và chủ nhật thì các em về với gia đình. Nhưng để bảo đảm phòng dịch cho các em, từ ngày 19/11 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã quyết định giữ toàn bộ học sinh bán trú ở lại trường cho đến khi dịch bệnh trên địa bàn được khống chế ổn định. Dạy học, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cho 4.460 em học sinh bán trú tại 19 trường trong những ngày này là việc không đơn giản, song vì an toàn sức khỏe cho các em mỗi thầy cô đều chung lòng cố gắng.

Cô Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trần Văn Thọ thuộc xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, cho biết: Toàn trường có 892 học sinh, trong đó 259 học sinh bán trú. Thực hiện các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, từ ngày 19/11 toàn bộ 259 học sinh bán trú đều ăn, ở tại trường tất cả các ngày trong tuần. Bảo đảm việc dạy học, chăm sóc số học sinh bán trú, Ban Giám hiệu đã họp bàn toàn thể giáo viên và thống nhất, lớp nào có học sinh bán trú thì giáo viên lớp đó cũng ăn, ở tại trường. Như thế, phòng dịch hiệu quả với cả cô và trò.

Mỗi trường học là một “doanh trại” phòng, chống dịch -0

100% học sinh các trường ở huyện Mường Nhé đều đeo khẩu trang trong suốt buổi học.

Đề cập vất vả của các thầy, cô giáo những ngày này, cô Đồng Thị Thúy giãi bày: Việc nhiều hơn, lòng cũng ngổn ngang vì âu lo dịch bệnh. Bởi dù gì thì học sinh tiểu học chưa thể lường hết nguy cơ lây nhiễm và nguy hiểm dịch bệnh. Cho nên, mỗi ngày mới sang là mỗi ngày thầy cô đều quay cuồng trong núi việc. Sáng sớm lo ăn, kiểm tra thân nhiệt cho 259 học sinh bán trú; rồi lại quay ra đón, kiểm tra thân nhiệt cho 633 học sinh; chỉ ngày nào chốt danh sách không em nào ốm, không em nào ho sốt thì khi ấy ban giám hiệu mới tạm yên tâm.

Với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2 ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải) - nơi vừa ghi nhận 2 học sinh dương tính với Covid-19, thì Ban Giám hiệu nhà trường đã khẩn trương thành lập 2 khu cách ly riêng biệt tại nhà văn hóa bản Nậm Sin và điểm trường trung tâm bố trí cách ly cho 199 học sinh, giáo viên. Để tiện chăm sóc, hướng dẫn các em ôn bài trong thời gian cách ly, các thầy, cô giáo ở trường trung tâm đã tự nguyện ở lại khu cách ly cùng các em. Thầy Trịnh Văn Lập, Hiệu phó (phụ trách) Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2, cho biết: Trong tổng số 40 cán bộ, giáo viên của trường thì những ngày này có 24 thầy, cô giáo tự nguyện ở lại khu cách ly; số còn lại, các thầy cô ở vòng ngoài cơ động lo cung cấp lương thực, thực phẩm cho học sinh toàn trường.

Cung cấp danh sách thống kê sơ bộ số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường tự nguyện ở lại trường đảm nhiệm chăm sóc học sinh bán trú, thầy Phạm Thiết Chùy, cho biết: 840 thầy, cô cắm chốt trong trường để hằng ngày lên lớp dạy các em học tập; cuối ngày chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và hướng dẫn từng em các biện pháp phòng dịch. Vẫn biết việc nhiều khó khăn, vất vả, song vì học sinh, vì cuộc chiến chống dịch chung toàn huyện nên mỗi thầy, cô giáo ở huyện biên giới Mường Nhé sẽ không chùn lòng, bởi họ đã quyết tâm chung sức giữ trường học an toàn, để mỗi trường học được bảo vệ như một “doanh trại” phòng dịch.