Kết quả khảo sát PISA: Vui, nhưng nên thận trọng

NDO -

NDĐT - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, PISA chưa đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chỉ mới trên các kỹ năng: Toán học, Đọc hiểu, và Khoa học, trong khi điều mà học sinh Việt Nam thực sự yếu là năng lực giao tiếp, hợp tác hoặc các kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai.

Cải tiến thi cử, đánh giá sẽ là khâu đột phá cho đổi mới giáo dục. Ảnh: Lê Hà
Cải tiến thi cử, đánh giá sẽ là khâu đột phá cho đổi mới giáo dục. Ảnh: Lê Hà

Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang còn bộn bề những tồn tại, đặc biệt là vấn đề chất lượng đào tạo, thì kết quả của khảo sát PISA 2012 được cho là “luồng sinh khí mới" tiếp thêm niềm tin cho ngành giáo dục” – theo lời một lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên cũng có những ý kiến của một số nhà giáo dục cho rằng không nên coi kết quả này như một thành công của giáo dục phổ thông và cần thận trọng khi dùng các kết quả này để xây dựng chính sách giáo dục phổ thông cho Việt Nam.

Quy trình khảo sát chặt chẽ

Tại buổi họp báo công bố kết quả Chương trình đánh giá học sinh Quốc tế PISA, Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết, PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD khởi xướng và thực hiện nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả, chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia. Hiện PISA được coi là chương trình có uy tín về đánh giá chất lượng học sinh trên thế giới.

Theo kết quả vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa học sinh của Anh và Mỹ. Việt Nam vừa tham gia chương trình này từ năm 2012. Việc tham gia này tuân thủ mọi quy trình, hướng dẫn OECD đưa ra. Một trong những yêu cầu khắt khe là việc xây dựng và chọn mẫu từ các học sinh trong độ tuổi 15 theo học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Toàn bộ học sinh tham gia khảo sát được tính toán và lựa chọn từ OECD.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong quá trình thực hiện, OECD đã lấy số liệu, danh sách học sinh từ các tỉnh thành, các loại hình trường như trường phổ thông, bổ túc văn hóa, học nghề, công lập, ngoài công lập....và chọn mẫu theo khoa học. “Chúng ta có 59 tỉnh thành tham gia kỳ đánh giá này. Các học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên và khách quan nên chúng ta không can thiệp được.” - Thứ trưởng Hiển giải thích thêm.

Ngoài ra, PISA còn đưa ra các quy định về quy trình đề thi, thực hiện bài thi, công tác chấm thi... PISA tạo ra các bộ đề thi phong phú, bảo đảm cho trong số khoảng 35 thí sinh tham gia đánh giá trên lớp chỉ có hai đến ba học sinh có đề thi giống nhau. Thông tin cá nhân của thí sinh: tên tuổi, ngày tháng năm sinh, mã đề được niêm yết trên trang bìa của mỗi đề thi. Công tác chấm thi được làm chặt chẽ và tổ chức theo hình thức chấm bội và chấm đơn. Mỗi câu hỏi được năm người chấm và cùng nhập phiếu song song vào phần mềm để không thể thay đổi dữ liệu. Nếu có hai học sinh cùng trường trả lời giống nhau, kết quả sẽ không được chấp nhận.

Bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết, khi dữ liệu cho kết quả cao bất ngờ của Việt Nam, OECD cũng đã có những chất vấn để kiểm định trong hai tháng trước khi công bố chính thức.

Vui, nhưng nên thận trọng

Kết quả cao của Việt Nam tại kỳ khảo sát PISA 2012 ở cả ba lĩnh vực: Toán học, Đọc hiểu và Khoa học thực sự đã làm ngành giáo dục phấn khởi. Kết quả này cũng gây ấn tượng với nhiều tổ chức quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam vẫn nằm trong số những nước có nền kinh tế đang phát triển. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhận xét: “Kết quả mà PISA vừa công bố thật ấn tượng với thành tích của học sinh Việt Nam”.

PGS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Đại học Vinh nhận định: “Với việc chọn mẫu khách quan, kết quả của PISA là sự động viên rất lớn đối với ngành giáo dục và hàng triệu thầy cô giáo ở tất cả các vùng miền chứ không chỉ riêng thành phố 59/63 tỉnh thành.”

Thầy giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cũng bày tỏ vui mừng: “Tôi bất ngờ vìchúng ta đạt được thứ hạng cao trong số 65 nước , trên cả Anh, Mỹ...”. Ông thừa nhận mặt tích cực của khảo sát PISA, và cho rằng đây là một cách kiểm định chất lượng - “Cái vui của chúng ta là đây không phải là cuộc thi để lựa chọn ai đậu vào cái gì mà để xem xét trình độ học sinh của Việt Nam đến mức độ thế nào đối với khu vực và thế giới” - ông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Kết quả PISA lần này đã tiếp thêm niềm tin cho ngành giáo dục”. Thứ trưởng phân tích, một trong những giải pháp đột phá để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo mà Việt Nam đang bắt tay triển khai là đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá. “Từ PISA, chúng ta học tập được kinh nghiệm quốc tế trong đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là về phương pháp đánh giá. Chúng ta cũng có thể học nhiều trong cách thiết kế đề thi để có thể đánh giá năng lực học sinh. PISA giải quyết được bài toán đánh giá không chỉ một người học mà còn khái quát một đơn vị, một địa phương, cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, ông nói.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào, cũng có những ý kiến thận trọng. Một số nhà giáo dục cho rằng không nên coi kết quả này như một thành công của giáo dục phổ thông và cần thận trọng khi dùng các kết quả này để xây dựng chính sách giáo dục phổ thông cho Việt Nam vì mỗi nước có một cấu trúc hệ thống THPT khác nhau, PISA không phản ánh chính xác chất lượng của từng hệ thống.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, PISA chưa đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chỉ mới trên các kỹ năng: Toán học, Đọc hiểu, và Khoa học, trong khi điều mà học sinh Việt Nam thực sự yếu là năng lực giao tiếp, hợp tác hoặc các kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai. Do vậy, kết quả PISA sẽ được phân tích kỹ để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, từ đó xây dựng các chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục yếu tố tiêu cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Thành tích đó chỉ nên được coi là sự khích lệ để ngành giáo dục tiếp tục quyết tâm đổi mới. Không nên tự ru ngủ mình và ảo tưởng trước những kết quả đó, khi thực tế chúng ta còn rất nhiều khiếm khuyết và hạn chế.