Học lịch sử qua những trò chơi

Kiến thức, hiểu biết về lịch sử là thứ bồi đắp cho các bạn nhỏ tình yêu quê hương, đất nước. Bởi thế, chúng ta vẫn băn khoăn làm thế nào để giúp trẻ yêu thích, tăng cường các kiến thức lịch sử.

Các em học sinh tham gia thử thách "đóng cọc Bạch Ðằng".
Các em học sinh tham gia thử thách "đóng cọc Bạch Ðằng".

Các "cô giáo", những cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang viết một câu chuyện về vấn đề này. Kiến thức lịch sử, di sản được chắt lọc và chuyển hóa thành những trò chơi, những câu đố, cùng nhiệt huyết của cán bộ Bảo tàng khiến các sự kiện, nhân vật lịch sử trở thành niềm say mê với các em.

Tiết học Lịch sử của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam luôn náo nhiệt bởi những tiếng cười, những tiếng reo. Ngay cả những tiết học trực tuyến, học sinh cũng dán mắt vào màn hình và tranh nhau giơ tay phát biểu.

Cuốn hút từ những trò chơi

Khoảng sân của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam rộn rã tiếng nói, tiếng cười khi các bạn nhỏ trong nhóm "Snakes2013 4.0" tham gia chương trình "học mà chơi" do Bảo tàng tổ chức. Sau một hồi thảo luận, hơn 20 bạn nhỏ đã phân nhóm và chọn tên cho đội của mình. Với chủ đề liên quan đến những trận thủy chiến, một đội chọn tên Ngô Quyền. Ðội còn lại mang tên danh tướng lẫy lừng Trần Hưng Ðạo. Cuộc thi đầu tiên là "nghe giới thiệu, đoán nhân vật". Gần như ngay sau khi câu hỏi được đưa ra, các bạn đã có câu trả lời. Kể cả nhân vật tưởng rất khó với những bạn ở lứa tuổi từ 9 đến 12, là Hoằng Tháo, kẻ đem quân xâm lược nước ta thế kỷ thứ 10 cũng được các bạn nhỏ vượt qua khá dễ dàng. Sôi nổi nhất là phần thi "thử thách đóng cọc Bạch Ðằng" - tái hiện việc quân dân ta đóng cọc tại cửa sông Bạch Ðằng trong các trận thủy chiến xưa.

Mỗi đội sẽ phải đóng ba chiếc cọc vào ba chậu cát. Bên nào nhanh hơn sẽ giành phần thắng. Những tiếng hò reo vô tư vang lên khi đội Trần Hưng Ðạo về đích sớm hơn. Nhưng cuộc đua vẫn chưa kết thúc. Hai đội bước vào phần thi xếp hình trận chiến trên sông Bạch Ðằng của Vua Ngô Quyền. Sau xếp hình, phần thuyết trình về trận chiến của đội Trần Hưng Ðạo một lần nữa khiến người lớn phải ngỡ ngàng. Không ai nghĩ đại diện của đội có thể thuyết trình một cách chi tiết như thế về trận thủy chiến quan trọng ấy. Phạm Bảo Lâm chính là người đem về chiến thắng cuối cùng cho đội Trần Hưng Ðạo. Cậu bé đến từ Trường tiểu học Ngôi Sao (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Con tham gia chương trình học Lịch sử trực tuyến với các cô ở Bảo tàng Lịch sử được hơn 10 buổi. Các cô kể chuyện lịch sử rất dễ hiểu nên con rất thích. Sau đó, con đã mua sách, tra cứu Google để hiểu thêm về lịch sử nên con có thể thuyết trình thành công về trận chiến Bạch Ðằng".

Dù đội Trần Hưng Ðạo nhỉnh hơn, nhưng các cô nhấn mạnh với các con khi trao những món quà nhỏ: "Hôm nay, các con đều là người chiến thắng, bởi các con đã rất cố gắng". Chị Nguyễn Thị Liêm, đại diện cho nhóm chia sẻ: "Snakes2013 4.0" là một diễn đàn trên Facebook, do các phụ huynh có con sinh năm 2013 lập ra, để cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập. Khi biết Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức các lớp dạy lịch sử, chúng tôi đăng ký cho các con tham gia. Ðợt này có khoảng 120 bạn, sau một số buổi học trực tuyến, các con có các hoạt động trực tiếp. Chỉ sau một vài tiết học, nhiều bạn đã nằng nặc đòi bố mẹ mua cho những cuốn sách về lịch sử; có bạn lại rất hay quan sát tên đường phố và tìm hiểu, giải thích về các nhân vật lịch sử".

Ðó chỉ là một trong hàng trăm buổi học lịch sử mà cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai cho các em học sinh trong thời gian qua. Hình thức "học mà chơi" khiến các nhân vật lịch sử trở nên sống động, gần gũi; các sự kiện lịch sử dễ nhớ, để lại ấn tượng trong các em nhỏ. Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai ba hình thức dạy lịch sử: Dạy trực tuyến qua Zoom; tham gia các hoạt động trực tiếp tại Bảo tàng; tổ chức cán bộ đến các trường, các nhóm để dạy các em; hoặc kết hợp cả trực tuyến với trực tiếp.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cán bộ của Bảo tàng đã triển khai 300 chương trình, bằng số chương trình đã được triển khai trong năm 2021. Xuyên suốt cả ba hình thức, là các hoạt động học mà chơi, chơi mà học. Ðược chơi, được vui, khiến những câu chuyện, nhân vật "thấm" vào tâm hồn thơ ngây của các em. Cô Tô Thanh Thủy, giáo viên Trường tiểu học Thái Thịnh (quận Ðống Ða, Hà Nội) cho biết: "Chương trình học lịch sử của Bảo tàng có nội dung được thiết kế công phu, kiến thức chọn lọc, phù hợp với lứa tuổi, nên các con hào hứng học tập và ghi nhớ một cách nhẹ nhàng. Cán bộ Bảo tàng có khả năng truyền đạt tốt và rất tâm huyết nên truyền được tình yêu lịch sử cho các con. Vì vậy, học sinh tích cực học tập và có ý thức tự tìm hiểu thêm về lịch sử".

Sáng tạo để học sinh thêm ham mê học sử

Ðã nhiều năm nay, chuyện học sinh "chán, sợ" học môn lịch sử là vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Giáo dục lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã được triển khai từ lâu. "Nhà thiết kế" của các hoạt động học mà chơi, chơi mà học đầy sinh động này là chị Nguyễn Thị Hà - cán bộ Phòng Giáo dục, công chúng. "Lịch sử rất hấp dẫn. Nhưng vì sao học sinh sợ môn lịch sử? Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều để chuyển đổi những sự kiện, nhân vật lịch sử thành những điều có thể cuốn hút học sinh. Mỗi sự kiện chúng tôi xây dựng một kịch bản cho phù hợp với từng lứa tuổi. Mỗi chương trình luôn có sự tương tác, có câu chuyện, kết hợp với trò chơi", chị Nguyễn Thị Hà cho biết.

Từ định hướng ấy, cả ê-kip cán bộ Phòng Giáo dục, công chúng cùng nhau xây dựng chương trình. Ðể kích thích trí tò mò của các em, ngay từ khi bắt đầu, các cô giáo thường đề ra câu hỏi. Thí dụ nói về bộ đội Trường Sơn, thông tin đầu tiên đến với các em là: "Ðố các bạn biết, làm thế nào mà chúng ta có thể đi không dấu, nấu không khói và nói không tiếng?". Về cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung-Nguyễn Huệ, các cô thường đưa ra câu đố: "Chắc các con đi bộ xa vài kilômét là đã mỏi mệt rồi phải không? Vậy các con làm thế nào để đi bộ hàng trăm kilômét trong thời gian nhanh nhất, mà ít mệt mỏi nhất?". Khi câu hỏi được đưa ra, cả lớp thường xôn xao bàn tán vì ngạc nhiên. Tất cả các phương án trả lời đều được các cô khuyến khích, ngay cả khi nó cách đáp án… rất xa. Sau đó, các cô mới dẫn dắt học sinh đi vào câu chuyện. Mỗi giai đoạn lịch sử có hàng chục, thậm chí hàng trăm sự kiện, nhân vật. Tương ứng với mỗi sự kiện-nhân vật, là một chương trình. Bởi thế, đây là một khối lượng công việc khổng lồ mà những cán bộ Phòng Giáo dục, công chúng phải giải quyết.

Việc thiết kế các trò chơi cũng là một thử thách khó, trong điều kiện trang thiết bị có hạn. Nhưng khi bắt tay vào, nhiều sáng kiến được đưa ra. Ngay cả các hoạt động "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" cũng được tổ chức thành các cuộc thi. "Học sinh thì luôn hiếu động và tò mò. Vấn đề là phải lồng ghép các nhân vật, sự kiện lịch sử vào các câu chuyện, nhất là những điều liên quan gần gũi với cuộc sống các em, đặt ra câu hỏi thì các em sẽ thấy thú vị", chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ thêm.

Khi đang đẩy mạnh giáo dục lịch sử theo hướng học mà chơi thì dịch Covid-19 xảy ra, Bảo tàng chuyển hướng sang giáo dục trực tuyến. Nhiều trường học, nhóm học tập từ các tỉnh miền núi phía bắc, hay các tỉnh miền nam, vốn ít có cơ hội đến Bảo tàng Lịch sử, thì nay có điều kiện để tiếp cận với hình thức giáo dục lịch sử mới. Các cô giáo của Bảo tàng Lịch sử luôn có cách để giữ chân các bạn nhỏ bên màn hình. Chìa khóa vẫn là sự sáng tạo, những trò chơi. Bất kể các trường học, hay các nhóm học sinh nào có nhu cầu đều có thể đăng ký. Toàn bộ chương trình học trực tuyến đều miễn phí. Các chương trình còn lại, các trường, các nhóm học sinh chỉ phải trả một chi phí nhỏ. Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn liên kết với nhiều bảo tàng địa phương để các chương trình giáo dục lịch sử, giáo dục di sản thêm hấp dẫn.

Ngay cả những vị phụ huynh, chỉ nghe ké bài học các con, cũng thay đổi hẳn quan điểm về lịch sử. Chị Lê Quyên, một phụ huynh học sinh chia sẻ: "Cả hai mẹ con mình đều mong những tiết học lịch sử của Bảo tàng. Nhờ các cô giáo của Bảo tàng mà cả nhà thêm yêu sử Việt-môn mà hồi xưa bản thân mình thấy rất ngại". Hè này, các cô giáo thuộc Phòng Giáo dục, công chúng-Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã kín lịch giảng dạy trực tuyến cả ba tháng. Sau một ngày làm việc, các cô đều phải sắp xếp giờ giấc để đúng 20 giờ có tiết dạy trực tuyến. Nhưng với họ đó là một sự vất vả đáng tự hào...