Bốn giải pháp giảm áp lực học tập cho học sinh

NDO -

Có quan điểm giáo dục cho rằng: càng áp lực, học sinh càng cố gắng, từ đó thành tích học tập của học sinh, chủ yếu là điểm số rất cao. Tuy nhiên, quan điểm giáo dục ấy đã lỗi thời, nhiều học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý như căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, thiếu kỹ năng sống, thậm chí tìm đến những hành động dại dột.

Học sinh Trường tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Học sinh Trường tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Vì vậy, trong giáo dục cần làm giảm nhẹ áp lực học tập cho học sinh và thường xuyên quan tâm đời sống tinh thần cho các em. Có thể áp dụng các giải pháp:

Thứ nhất: Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm thay vì ngồi trên lớp nghe giảng theo lối dạy truyền thống để tích lũy thật nhiều kiến thức trong sách vở. Các nhà trường cần tổ chức những câu lạc bộ, những hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động theo chủ đề, ngày hội đọc sách, ngày hội khoa học và công nghệ, ngày hội sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp, tham gia lễ hội truyền thống của địa phương... Trong các hoạt động bảo đảm học sinh thực sự tự giác, thoải mái và thích thú khi tham gia. 

Thứ hai: Thay đổi hình thức làm bài tập về nhà cho học sinh thay vì chỉ là những bài tập củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng, theo các mẫu quen thuộc trong sách bài tập. Nhà trường sẽ thay đổi phương thức giáo dục và quản lý kiến thức của học sinh bằng cách cho các em chủ động hơn trong việc tìm kiếm tri thức. Do vậy, học sinh sẽ được phép lựa chọn những vấn đề do giáo viên đưa ra về kiến thức về ứng dụng thực tế, sau đó các em sẽ tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu và trình bày trước lớp hoặc viết thành các báo cáo. Điều này giúp các em hứng thú hơn, tìm thấy niềm vui trong học tập, đồng thời cũng làm tăng khả năng học tập độc lập, tự chủ cho học sinh. Hoạt động học tập này có thể làm theo cá nhân hoặc theo nhóm. Nhà trường có kế hoạch phụ đạo học sinh kém, không bỏ rơi bất cứ một học sinh yếu kém nào trong trường.

Các trường vận dụng sáng tạo phương pháp đánh giá người học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế đánh giá mới cho học sinh phổ thông, coi trọng đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Việc đánh giá học sinh qua nhiều mặt sẽ phản ánh được thực trạng tố chất học sinh, qua đó thấy được những mặt được và chưa được của người học, từ đó giáo viên sẽ có những kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao tố chất cho các em. 

Thứ ba: Giảm áp lực tâm lý cho học sinh, nhất là trong một thời gian dài, học sinh bị ảnh hưởng mặt trái của học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, việc giảm áp lực tâm lý cho học sinh là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện tại. Về lâu dài cần đẩy mạnh xây dựng mô hình Trường học Hạnh phúc, từ đó hướng tới xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, trọng tâm là giáo dục hạnh phúc cho học sinh và giáo viên. 

Thứ tư: Tôn trọng, bình đẳng và bảo đảm an toàn cho học sinh. Giáo viên và các học sinh khác không có quyền xúc phạm thân thể và danh dự của nhau. Điều này được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Giáo viên hạn chế không công khai kết quả học tập của học sinh, không được phép sử dụng các hình phạt mang tính xúc phạm qua lời nói và hành động... Giáo viên là những người có vai trò định hướng giúp học sinh hoàn thiện năng lực học tập, hoàn thiện kế hoạch học tập của mình, giúp học sinh của mình trở thành những con người cá tính, sáng tạo và độc lập. 

Xây dựng trường học an toàn cả về thể chất và tinh thần trên cơ sở có sự kết hợp từ các cấp lãnh đạo nhà trường cho đến từng giáo viên để mỗi học sinh đều cảm thấy nhà trường chính là nơi đầy ắp tình thương, là nơi muốn đến, đang trải qua những ngày tháng ý nghĩa nhất và sau này luôn nhớ về. Giúp đỡ trẻ khó khăn thành công cũng là thành tích của giáo viên và nhà trường.

Nhà trường thành lập các tổ tư vấn tâm lý, tổ chức và cung cấp các lớp học hoặc các hoạt động tư vấn sức khỏe tâm thần, thực hiện các cuộc họp, bài giảng và hội thảo chuyên đề khác nhau nhằm giúp giáo viên thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. 

Định kỳ nhà trường sẽ sắp xếp một khoảng thời gian cố định để đón tiếp những phụ huynh có nhu cầu cần trao đổi về các vấn đề của con em mình, hoặc nhà trường sẽ chủ động liên lạc với phụ huynh về các vấn đề của các em. Đôi bên bảo đảm rằng, học sinh của mình luôn được nằm trong vùng an toàn, vui vẻ và hạnh phúc.