Kiến nghị mở lại một số đường bay quốc tế

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ. Các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Xơ-un (Hàn Quốc), Tô-ki-ô (Nhật Bản), Ðài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) và Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến.

Khi khôi phục các đường bay quốc tế, hành khách nhập cảnh vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch.
Khi khôi phục các đường bay quốc tế, hành khách nhập cảnh vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch.

Vướng mắc khi khôi phục đường bay quốc tế

Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung quốc), Hàn Quốc, Lào, Cam-pu-chia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ, dự kiến đầu tháng 8 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên. Hiện nay, toàn bộ các cảng hàng không quốc tế của nước ta đều đã được đưa vào khai thác bình thường. Trong đó, hai cảng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ và không thường lệ (chỉ vận chuyển khách từ Việt Nam đi, riêng hàng hóa vận chuyển hai chiều). Các sân bay khác như Vân Ðồn, Ðà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ vẫn sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ chở công dân và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam. Từ tháng 6 vừa qua, các hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific (Hồng Công, Trung Quốc), Singapore Airlines (Xin-ga-po)... đã khai thác lại các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam theo hình thức thường lệ. Hãng Vietnam Airlines (VNA) đang duy trì lịch bay thường lệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Từ tháng 7-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Emirates Airlines (UAE), Qatar Airways (Ca-ta), China Airlines và Eva Airways (Ðài Loan, Trung Quốc), Asiana Airlines và Korean Air (Hàn Quốc),... khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ đi/đến Việt Nam. Toàn bộ lịch bay thường lệ nêu trên đều bảo đảm chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Các chuyến bay có chở khách đều trong đối tượng ưu tiên đưa vào Việt Nam (công dân hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...) và đều thực hiện cách ly theo quy định.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị “tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”. Hoạt động chuyên chở khách đường hàng không giữa hai nước đang tạm dừng. Ðể có cơ sở nối lại các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc, tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách sẽ do nhà chức trách hàng không hai nước thống nhất.

Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Ðinh Việt Thắng, khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế, đưa khách vào Việt Nam sẽ gặp phải một số trở ngại, vướng mắc. Trong quy định hiện hành, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải cách ly ít nhất 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa, gây lãng phí lớn về nguồn nhân lực khi khôi phục hoạt động quốc tế thường lệ ở mức hạn chế. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa có bộ hướng dẫn chính thức về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam, trong khi đây là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau. Mặt khác, do cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang triển khai dự án nâng cấp đường băng, cho nên năng lực khai thác ở mỗi sân bay chỉ còn từ 60 đến 70% so trước kia. Nếu tăng các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này, sẽ gây ra tình trạng quá tải tại hai sân bay cửa ngõ, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ. Ðồng thời, việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở “có đi - có lại” còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài và cần được sự cấp phép, phối hợp của nhà chức trách hàng không các nước đối tác. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. Phần lớn các nước đều phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam.

Phối hợp đồng bộ, tạo thuận lợi cho các chuyến bay

Trong giai đoạn đầu, Cục HKVN chỉ đạo các hãng hàng không khai thác với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.

“Theo dự kiến, mỗi tuần sẽ có từ 2.500 đến 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ. Hành khách trên các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục (check-in); nhập cảnh Việt Nam phải cách ly theo quy định về phòng, chống dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục HKVN tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác”, Phó Cục trưởng HKVN Võ Huy Cường đánh giá. Cục HKVN đã đề cập mô hình “Travel bubble” (Di chuyển nội khối) trên thế giới. Mô hình này được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công dịch Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển. Những người sống trong khối đó có thể đi lại tự do (bằng các loại hình, phương tiện giao thông), tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc. Ðơn cử, E-xtô-ni-a, Lát-vi-a và Lít-va đã mở cửa biên giới với nhau thành khối Ban-tic; Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân cũng đề xuất mô hình di chuyển nội khối Trans-Tasman. Trung Quốc đang xem xét mở rộng “di chuyển nội khối” trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Ðài Loan, Hồng Công, Ma Cao cũng như Hàn Quốc.

Dự báo, thị trường hàng không năm nay có thể sẽ giảm hơn 40% so năm 2019. Ðến năm 2022 mới đạt gần bằng năm 2019 là 78 triệu lượt hành khách vận chuyển. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, thị trường Ðông - Bắc Á, Ðông - Nam Á chính là mục tiêu nhắm tới là khi “mở cửa” bầu trời trở lại, khơi thông bế tắc cho ngành du lịch, tận dụng cơ hội phục hồi nền kinh tế. Sau hai thị trường này, sẽ tính tiếp đến châu Âu nhằm phát triển du lịch. Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ, làm việc với cơ quan chức năng tại các nước để tạo thuận lợi cấp phép cho các chuyến bay, bảo đảm đúng đối tượng vận chuyển. Bộ Y tế sớm ban hành Bộ hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam phục vụ quá trình đàm phán với các đối tác về phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyến bay và Bộ hướng dẫn kiểm dịch đối với nhân viên hàng không. Bộ Quốc phòng bảo đảm cơ sở cách ly cho hành khách trên các chuyến bay thường lệ đến Việt Nam theo lịch bay, danh sách hành khách do hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh cấp. Các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ và Quảng Ninh cần triển khai quy trình tiếp nhận hành khách người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh các sân bay quốc tế trên địa bàn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng, Cần Thơ và Vân Ðồn. Cục HKVN chỉ đạo hãng hàng không tổ chức các chuyến bay thường lệ đến các khu vực nêu trên sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý; bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, hiện nay phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ đang duy trì việc kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng hàng không theo các nguyên tắc chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân mình; người nước ngoài có thẻ cư trú, một số đối tượng đặc biệt (thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...) được phép nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt. Các đối tượng nêu trên, nếu nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí); việc tự cách ly tại gia đình được chính quyền áp dụng chặt chẽ bằng biện pháp công nghệ để kiểm soát đối tượng. Một số quốc gia khôi phục từng bước các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách với hạn chế nhất định về đối tác kết nối, tần suất khai thác; tuy nhiên, một số nước phải tái đóng cửa sau giai đoạn mở cửa và bị lây nhiễm mạnh trở lại trong cộng đồng như Ô-xtrây-li-a, Hy Lạp,...