Huy động các nguồn lực xây dựng tuyến đường vành đai 4

TP Hà Nội và bốn tỉnh trong vùng Thủ đô vừa chính thức khởi động dự án tuyến đường vành đai 4. Đây là dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư khoảng 125 nghìn tỷ đồng, thu hồi khoảng 1.178 ha. Vậy kế hoạch triển khai ra sao, phương thức huy động vốn được thực hiện thế nào? Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí VŨ VĂN VIỆN, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội để làm rõ những vấn đề nêu trên.

Dự án tuyến đường vành đai 4. Ảnh: ĐỖ TUẤN
Dự án tuyến đường vành đai 4. Ảnh: ĐỖ TUẤN

Phóng viên: TP Hà Nội được giao vai trò chủ trì lập quy hoạch, nghiên cứu, đầu tư toàn tuyến đường vành đai 4, xin đồng chí cho biết về kế hoạch dự kiến và các bước triển khai đầu tư xây dựng dự án này?

Đồng chí Vũ Văn Viện: Với tính chất vai trò quan trọng của tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô và sự cần thiết phải triển khai đầu tư trong bối cảnh hiện nay, đầu tháng 5/2021, TP Hà Nội đã chủ động cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với bốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị họp bàn và thống nhất đồng trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 17/5/2021 để kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về phương án đầu tư, hình thức đầu tư, cũng như một số cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 4. 

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo cho phép triển khai thực hiện dự án, TP Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các tỉnh có tuyến đường đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy trình về đầu tư xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, giải phóng mặt bằng đến khâu triển khai thi công và hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng. Phấn đấu có thể khởi công công trình trong giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2030.

Phóng viên: Theo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về phương án đầu tư, dự án sẽ xây dựng đường cao tốc trên cao thay cho tuyến đường đi trên mặt đất quy mô 4 đến 6 làn xe. Phương án làm đường trên cao có ưu điểm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Văn Viện: Việc đề xuất phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc trên cao thay cho phương án thành phần đường cao tốc đi trên mặt đất theo quy hoạch chi tiết được duyệt trước đây, đã được TP Hà Nội, Bộ GTVT và các địa phương liên quan nghiên cứu đánh giá thận trọng, toàn diện các yếu tố. Theo đó, việc đề xuất phương án thành phần đường cao tốc đi trên cao sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng các dòng phương tiện xung đột do giao cắt cùng mức đối với các tuyến đường khác (tuyến vành đai 4 có khoảng 23 nút giao với các tuyến đường trục chính quan trọng). Tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông. Bảo đảm kết nối giao thông, liên kết đô thị hai bên tuyến đường. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng quỹ đất các khu vực hai bên đường. Từ đó, tạo nguồn lực để đầu tư tuyến đường vành đai 4 và đường vành đai 5.

Phóng viên: Kinh phí đầu tư dự án đường vành đai 4 ước tính là 125 nghìn tỷ đồng, vậy TP Hà Nội, Bộ GTVT và các địa phương sử dụng nguồn vốn nào để xây dựng công trình này?

Đồng chí Vũ Văn Viện: Qua tính toán sơ bộ, tổng chi phí để đầu tư hoàn thành 98 km tuyến đường vành đai 4 với thành phần đường cao tốc đi trên cao (bao gồm cả hai cầu lớn vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở) là khoảng 125 nghìn tỷ đồng. Để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện cũng như khả năng cân đối nguồn lực, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với các nhà đầu tư tham gia, TP Hà Nội cùng Bộ GTVT và các địa phương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức đầu tư, định hướng cơ cấu nguồn vốn để đầu tư tuyến đường này như sau: Về hình thức đầu tư, triển khai đầu tư hỗn hợp đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.  Về cơ cấu nguồn vốn, nguồn ngân sách trung ương; nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nhà đầu tư theo hợp đồng BOT.

Phóng viên: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Văn Viện: Để thi công tuyến đường có quy mô mặt cắt từ 100 m, đến 120 m, chiều dài tuyến đường khoảng 98 km, đi qua 23 nút giao quan trọng và cần GPMB khoảng 1.178 ha (trong đó Hà Nội cần GPMB 680 ha; Hưng Yên 243,6 ha; Bắc Ninh 254,4 ha). TP Hà Nội, Bộ GTVT và các địa phương thống nhất tách công tác bồi thường, GPMB, tái định cư thành ba dự án riêng tương ứng với ba địa phương có tuyến đi qua để bảo đảm việc triển khai thực hiện được chủ động, phù hợp với điều kiện, đặc thù, cơ chế chính sách của mỗi địa phương. Tiến hành GPMB toàn bộ mặt cắt quy hoạch một lần theo đúng chỉ giới quy hoạch. Các địa phương có tuyến đường đi qua, chủ động tổ chức rà soát các nội dung liên quan công tác bồi thường, GPMB, bố trí quỹ đất, quỹ nhà tái định cư trên địa bàn. Trung ương hỗ trợ kinh phí GPMB cho các địa phương thực hiện và bảo đảm đủ kinh phí thực hiện nội dung công việc này. Tổ chức rà soát quy hoạch chi tiết hướng tuyến vành đai 4 để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, theo hướng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân, các công trình văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng và bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật tuyến.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!