Chưa có “thuốc đặc trị” bệnh… lún đường

NDO -

NDĐT- Thời gian qua, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại nhiều tuyến quốc lộ (QL), ảnh hưởng đến chất lượng công trình và gây nguy cơ mất ATGT. Vậy “phương thuốc” nào đặc trị “căn bệnh” lún đường mãn tính xảy ra hàng chục năm nay?

Lún mặt cầu Bến Thủy 2 (Nghệ An).
Lún mặt cầu Bến Thủy 2 (Nghệ An).

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị phải có giải pháp tổng thể khắc phục tình trạng yếu kém về chất lượng, nhất là tình trạng lún vệt bánh xe, đồng thời sớm ban hành riêng một thông tư quy định trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia xây dựng công trình để quy rõ trách nhiệm.

Vì sao đường lún nhiều?

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước, trên nhiều tuyến QL như 1, 3, 5, 7, Đại lộ Đông Tây, không chỉ ở các dự án đã khai thác, sử dụng 6 - 8 năm mà còn ở cả các dự án mới đưa vào khai thác như QL 1 đoạn qua Hà Nam, Thanh Hóa, BOT tuyến tránh Phan Rang - Tháp Chàm, cầu Thanh Trì, mặt cầu vượt bằng thép tại TP Hồ Chí Minh,...

Điển hình, QL 1 đoạn Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế, vệt lún bánh xe, gồ sống trâu hơn 70km (chiếm 13%), đoạn Đà Nẵng – Khánh Hòa hơn 90km (15%).

Tình trạng xe quá tải hoạt động thường xuyên với cường độ cao càng làm gia tăng độ lún của mặt đường. Hiện tượng lún hằn vệt bánh xe còn do chất lượng các lớp bê-tông mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát) không bảo đảm.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu hết đường lún xảy ra do hỗn hợp bê-tông nhựa kém chất lượng không đủ khả năng kháng vệt hằn bánh xe gây nên. Lâu nay, việc thiết kế trên toàn tuyến đồng đều như nhau là không hợp lý. Những đoạn cong, cua, đầu cầu, lên dốc, xuống dốc phải có thiết kế khác mới bảo đảm. Chất lượng nhựa đường nhập khẩu, thành phần hạt, đá cũng phải thí nghiệm, kiểm định kỹ lưỡng và thi công tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật thì công trình mới bảo đảm chất lượng.

Việt Nam đang nhập khẩu nhựa đường số lượng lớn tại hơn 10 quốc gia nhưng lại không có cơ quan, đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu, thường chỉ căn cứ vào chứng chỉ của nhà sản xuất. Tổng cục kiến nghị Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhựa đường nhập khẩu. Mặt đường mới đưa vào khai thác đã xuống cấp, cho thấy cần phải đặt câu hỏi năng lực và trách nhiệm của nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát.

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, khâu thiết kế hiện rất yếu kém, thiết kế chưa gắn với bản vẽ thi công, công tác kiểm tra, đối chiếu thực tế thi công còn lỏng lẻo. Không chỉ hiện tượng lún vệt bánh xe mà vấn đề lún đầu cầu, đầu cống vẫn diễn ra phổ biến. Một số chuyên gia cho rằng, xảy ra lún không loại trừ nguyên nhân do chất lượng nền đường kém. Những khu vực khí hậu khắc nghiệt, cần giảm bớt tỷ lệ bê-tông nhựa hạt mịn, tăng cường bê-tông nhựa hạt trung sẽ giảm đáng kể tình trạng trồi, lún.

Khắc phục cách nào?

Tại cuộc họp bàn các biện pháp quản lý chất lượng công trình giao thông mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, các cơ quan, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của mình, dù thời tiết, xe quá tải hay bất kỳ lý do gì thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Trước hết các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm chính, sớm có ngay những giải pháp tổng thể để khắc phục dứt điểm tình trạng này.

Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần sớm tiến hành kiểm tra lại tất cả các dự án, công trình giao thông đã đưa vào khai thác từ tháng 9-2011 đến nay, nếu công trình nào có chất lượng kém, yêu cầu nhà thầu làm lại ngay để tránh trường hợp công trình hết hạn bảo hành, nhà nước phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng.

Đồng thời, tất cả các dự án giao thông, trước khi thông xe phải kiểm tra kỹ xem có xảy ra tình trạng lún, nứt mặt đường hay không. Các cơ quan của Bộ GTVT tiếp tục triển khai quyết liệt đề án kiểm soát tải trọng xe. Với các dự án mở rộng QL 1 và QL 14, kiên quyết không cho điều chỉnh tổng mức đầu tư, ai phê duyệt tăng phải chịu trách nhiệm, để tránh lãng phí.

Về lâu dài, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần rà soát lại các quy định pháp luật liên quan, nếu còn thiếu phải bổ sung ngay, đồng thời sớm ban hành riêng một thông tư quy định trách nhiệm các chủ thể liên quan. Tất cả các quy trình thi công, trách nhiệm giám sát thiết kế, chất lượng vật liệu, nhất là vấn đề nhựa đường, vật liệu đầu vào phải được thí nghiệm rõ nguồn gốc xuất xứ. Các dự án BOT cũng kiểm soát như dự án bình thường.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, chất lượng nhựa đường và công tác thi công, thiết kế. Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại các quy trình, quy phạm về thiết kế áo đường mềm, thi công, nghiệm thu mặt đường phù hợp các quy trình thi công, nghiệm thu, thí nghiệm; xem xét sử dụng loại bê-tông nhựa có khả năng kháng hằn lún đường cao.

Đồng thời, yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ cho san gạt, tiến hành láng nhựa ba lớp để tạo độ bằng phẳng, êm thuận. Ngoài ra, Tổng cục cũng tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống các trạm cân di động và cố định để kiểm soát và ngăn ngừa các xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng trên các tuyến QL, trục chính và có các nghiên cứu cụ thể hóa được tác động của hiện tượng quá tải tới tuổi thọ của mặt đường.

Năm nay Bộ GTVT chọn là Năm An toàn giao thông và kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông, vì vậy, trước những yếu kém về chất lượng công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, từ nay, công trình hỏng hóc phải quy được trách nhiệm, lỗi do ai thì người đó phải đền, không được cả nể.

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dù với bất kỳ nguyên nhân gì, việc đầu tiên phải làm là siết chặt chất lượng thi công.

Bộ GTVT cần có riêng một chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng nâng cao chất lượng các dự án, công trình. Trước mắt, tất cả các dự án lớn đang triển khai phải rà soát lại thiết kế với mục tiêu tăng chất lượng, sử dụng vật liệu thích hợp, xây dựng ngân hàng dữ liệu để quản lý tư vấn giám sát. Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm cuối cùng nếu để xảy ra chất lượng kém.

Chưa có “thuốc đặc trị” bệnh… lún đường ảnh 1

Mặt cầu Thanh Trì bị lún, gây mất an toàn giao thông.