Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng: Cần lựa chọn thiết kế phù hợp

Vừa qua, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội gửi tờ trình UBND thành phố Hà Nội, trong đó đề cập việc xây dựng cầu Trần Hưng Ðạo (nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên qua sông Hồng) theo thiết kế mang phong cách kiến trúc Ðông Dương, dư luận đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ðiểm nhấn phong cách kiến trúc Ðông Dương là ở hai đầu cầu có hai tháp lớn có kiến trúc khiến người ta liên tưởng đến những công trình kiến trúc người Pháp xây dựng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Cầu Trần Hưng Đạo phương án 1. (Ảnh: TEDI)
Cầu Trần Hưng Đạo phương án 1. (Ảnh: TEDI)

Một số chuyên gia cho rằng, phương án kiến trúc này chưa phù hợp, nặng nề, chưa rõ phong cách kiến trúc Ðông Dương, hoặc kiến trúc Ðông Dương trước đây được ứng dụng để xây nhà, chưa có tiền lệ xây cầu… Về vấn đề này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, hình ảnh về cây cầu mang phong cách kiến trúc Ðông Dương chưa phải là phương án được “chốt”, thành phố vẫn tiếp tục xem xét, lấy ý kiến nhân dân để đưa ra phương án tối ưu.

Trước đây, trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, để phục vụ việc cai trị và khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn, nhất là tại Hà Nội. Ở giai đoạn đầu, người Pháp thường “bê nguyên” kiến trúc Pháp sang Việt Nam. Sau này, khi hiểu biết về văn hóa Việt Nam tăng lên đã có sự giao hòa giữa kiến trúc Pháp và bản địa. Những thiết kế này mang dáng dấp của Pháp, nhưng lại tiếp thu những yếu tố của văn hóa Việt Nam. Ðiển hình trong số này phải kể đến tòa nhà Viện Viễn Ðông Bác Cổ - nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tòa nhà Nha Tài chính Ðông Dương - nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao... Nhiều công trình khác do người Pháp xây dựng, nhưng yếu tố kiến trúc, mỹ thuật Việt được thể hiện hết sức đậm nét. Những công trình này thường được gọi là kiến trúc Ðông Dương.

Trong lịch sử, Hà Nội đã có những cây cầu thiết kế đẹp, mang tính biểu tượng. Ðó là cầu Long Biên, hơn một thế kỷ nay vẫn tồn tại như một trong những di sản kiến trúc nổi bật của Thủ đô. Trong thế kỷ 21, cầu Nhật Tân, với kiến trúc dây văng, 5 trụ cầu vững chãi được ví như sự vươn lên mạnh mẽ của thành phố khi bước vào thời kỳ hội nhập. Hà Nội vốn có nhiều công trình kiến trúc Ðông Dương, nếu cầu Trần Hưng Ðạo được xây dựng theo phong cách được gọi là kiến trúc Ðông Dương, thì đó cũng là sự kế thừa hợp lý.

Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia, kiến trúc sư cũng không phải không có lý. Chẳng hạn, làm thế nào để nổi rõ phong cách kiến trúc Ðông Dương, tức phải bảo đảm sự hài hòa giữa yếu tố “tây” và yếu tố “ta”. Kiến trúc Ðông Dương tại Hà Nội lâu nay chỉ dành cho những tòa nhà, vậy khi “chuyển thể” sang kiến trúc cầu, phải làm sao cho hợp lý…

Ðể tìm được lời giải thỏa đáng, Hà Nội cần tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn. Thậm chí, cần tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, tạo cơ sở để tìm ra thiết kế tối ưu nhất. Cầu Trần Hưng Ðạo là công trình giao thông quan trọng, nối khu đô thị lịch sử và khu đô thị mới đang phát triển năng động ở tả ngạn sông Hồng. Việc thận trọng trong lựa chọn thiết kế là cần thiết. Và nếu tìm được đáp án thỏa đáng cho phương án kiến trúc, cây cầu sẽ vượt khỏi giá trị sử dụng của một công trình giao thông thông thường, mà còn trở thành một trong những điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa của thành phố trong tương lai.