***

Mùa thu năm 1945, Bộ Giáo dục Quốc gia của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Khi ấy, số học sinh phổ thông chỉ là hàng nghìn; cứ 1,6 triệu người mới có 32 người có trình độ học vấn cao đẳng, đại học; hơn 95 % dân số mù chữ. Đến nay, mỗi ngày, cả nước có khoảng 23 triệu học sinh đến trường học tập; hơn 1 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý đến trường giảng dạy.

Có được thành tựu ấy, một phần bắt nguồn từ truyền thống văn hóa hiếu học, tôn sư trọng đạo, đã trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam, một phần khác là trong suốt chặng đường phát triển của đất nước, giáo dục và đào tạo luôn được Đảng, Chính phủ coi là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp tri ân các thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những chặng đường phát triển của ngành giáo dục nước nhà.

Những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa…”, vai trò của người thầy trong xã hội luôn được đề cao và coi trọng. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là ngày hội lớn của các nhà giáo, là dịp để học sinh và toàn xã hội tôn vinh thăm hỏi, chúc mừng, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn các thầy giáo, cô giáo.

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Người thầy tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất".

Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến to lớn của các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”. Hàng triệu cán bộ đã và đang giữ những trọng trách trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống đất nước và xã hội suốt từ ngày lập nước đến nay, đều là sản phẩm được đào luyện cơ bản từ các mái trường của chế độ mới.

Chúng ta xúc động và biết ơn những tấm gương yêu nghề của không ít thầy, cô với tình cảm và ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đã tận tâm, tận lực, vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn của đời sống thường nhật, đặc biệt là vượt lên mọi cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường, sống liêm khiết, mẫu mực; nêu cao trách nhiệm trước dân, trước Đảng về nhiệm vụ giáo dục, xây đắp lý tưởng và nhân cách con người.

Trong dịp Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, bày tỏ sự tri ân đến các nhà giáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tất cả chúng ta đều muốn dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc, nụ cười, những đóa hoa tươi thắm đến tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc.

Các thầy cô đã, đang và sẽ mãi là tấm gương, là người gieo mầm, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, nhân cách, tri thức, sự tử tế… luôn tỏa sáng, để xã hội ngày càng tốt đẹp, đất nước Việt Nam “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng tin tưởng, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Mở ra một nền giáo dục mới với tư tưởng “dân tộc, khoa học, đại chúng”

Mùa thu năm 1945, khi Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra đời, Bộ Quốc gia Giáo dục đã là một trong những Bộ - Thành viên Chính phủ được thành lập ngay từ những ngày đầu tiên ấy.

Cùng với những nhiệm vụ cấp bách của đất nước là “diệt giặc đói” và giặc ngoại xâm, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt tay ngay vào chiến dịch chống nạn mù chữ, với nhiệm vụ là “diệt giặc dốt” và xây dựng nền giáo dục mới của một nước độc lập và dân chủ. Để xây dựng chính quyền mới, ổn định đời sống giữ gìn độc lập Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hóa”. Người đề nghị mở ngay một chiến dịch “diệt dốt” và đích thân phát động chiến dịch chống nạn mù,chữ coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí.

Ngày 8/9/1945, Bác Hồ đã ký ba Sắc lệnh liên quan đến vấn đề xây dựng nền giáo dục mới:

  • Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ, quy định nhiệm vụ của Nha là lo việc học cho nhân dân;
  • Sắc lệnh số 19/SL quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học;  
  • Sắc lệnh số 20/SL ban bố việc học chữ quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Trong “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai trường năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao dân trí, xây dựng đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 4/10/1945, trong lời kêu gọi “Chống nạn thất học”, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”, “Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập, người biết chữ phải có nghĩa dạy những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại càng cần phải học”.

Ngày 10/10/1945 Bác Hồ ra Sắc lệnh lập Hội đồng cố vấn học chính để giúp Chính phủ chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy học chính các cấp và các trường theo đúng tinh thần mới.

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát một thiếu nhi tập đánh vần, thnasg 12/1959. (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát một thiếu nhi tập đánh vần, thnasg 12/1959. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 9/7/1946, Bác Hồ ban hành Sắc lệnh 119/SL quy định bộ máy của Bộ Quốc gia giáo dục. Tiếp đó, ngày 10/8/1946 Bác đã ban hành tiếp các Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới và mục đích tôn chỉ của nó.

Những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên đối với giáo dục do Đảng, nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phong kiến thực dân của nền giáo dục cũ, đồng thời đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới.

Tháng 7/1948, trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc, Bác Hồ viết: “Muốn xây dựng một nền kháng chiến và kiến quốc cần phải sửa đổi chương trình giáo dục cho hợp với yêu cầu kháng chiến và kiến quốc, phải biên soạn sách, sửa đổi cách dạy học, đào tạo cán bộ”.

Quán triệt tư tưởng của Bác, Hội nghị đã đặt ra vấn đề tiến hành cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam. Cuộc cải cách đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam mới được đặt ra với phương hướng và nguyên tắc là: Dân chủ hóa nền giáo dục; Đào tạo con người mới, gột rửa những tàn tích cũ: Chương trình học phải thiết thực theo nhu cầu của xã hội hiện tại.

Tháng 7/1950, Đề án Cải cách giáo dục được Hội đồng Chính phủ thông qua, trong đó chỉ rõ: “nền giáo dục là một bộ phận của chế độ chính trị, nêu cao vấn đề giáo dục chỉ có thể giải quyết trong khuôn khổ chung của cách mạng”.

Giáo dục Việt Nam thời kỳ đầu, từ năm 1945 đến 1954, đã hình thành được những quan điểm, phương châm giáo dục đúng đắn, tiến bộ với mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài thực hiện được quyền học tập của mọi người dân; đã xây dựng được phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, bước đầu hình thành một xã hội học tập, xây dựng được ngành học phổ thông, bậc giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong điều kiện kháng chiến, hình thành được ngành học mầm non và quan điểm nhà nước bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em, quan tâm đúng mức giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị tạm chiếm…

Ngành giáo dục thời kỳ này đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn: Giáo dục từ phổ thông đến đại học không những được duy trì mà còn có sự phát triển, thay đổi về chất, tất cả các trường đều được dạy học bằng tiếng Việt, công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một kỳ tích của giáo dục nước nhà . Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức kháng chiến được hình thành đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Đề án cải cách giáo dục lần thứ nhất với mục tiêu tổng quát là xây dựng một nền giáo dục mới dân chủ nhân dân theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục mới.

Chất lượng giáo dục phát triển toàn diện  

Thời kỳ quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước, giáo dục vừa phải phục vụ cho công cuộc xây dựng miền bắc, vừa phải phục vụ nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền nam,thống nhất đất nước. Nhiệm vụ đầu tiên của thời kỳ này là tiếp quản các cơ quan giáo dục, trường học ở Thủ đô và các vùng mới giải phóng. Ngành giáo dục đã tiến hành cải tạo các trường tư thục, phần lớn ở các thành phố mới giải phóng, đã kiểm tra và cho phép một số trường có đủ điều kiện hoạt động chuyển sang chế độ trường dân lập, mở các trường học sinh miền nam.

Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa II của Đảng, tháng 3/1956, Chính phủ đã thông qua Đề án Cải cách giáo dục lần thứ hai, mục tiêu là đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân phát triển toàn diện, thống nhất hai hệ giáo dục của vùng tự do cũ và của vùng mới giải phóng thành hệ thống giáo dục phổ thông duy nhất 10 năm gồm ba cấp với giáo dục đào tạo chuyên nghiệp.

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai là một bước tiến cơ bản trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục của nước ta trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt.

Năm 1955, số người mù chữ còn rất lớn, khoảng 3 đến 4 triệu người từ 12 đến 50 tuổi.

Trước tình hình đó, năm 1956 Bộ Giáo dục đã đề ra chủ trương: “đẩy mạnh giáo dục văn hóa cho công nông: ở nông thôn, chủ yếu là cốt cán ở xã đã cải cách ruộng đất, nhưng cũng cùng cần quét sạch nạn mù chữ, trước hết là ở những vùng đồng bằng và thị xã thì bổ túc cho công nhân những ngành quan trọng”, trọng tâm phát triển bổ túc văn hóa là các lớp 1,2, bước đầu chấn chỉnh và xây dựng mẫu giáo - vỡ lòng thành một ngành học trước tuổi học phổ thông, bước đầu xây dựng và phát triển các trường sư phạm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp ổn định các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã có; xây dựng và phát triển thêm một số trường mới theo yêu cầu khôi phục phát triển kinh tế-văn hóa và hệ thống đại học chuyên nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Bác Hồ thăm lớp học Bổ túc văn hóa của cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô 1-5. (Ảnh: Tư liệu/Tạp chí xây dựng Đảng)

Bác Hồ thăm lớp học Bổ túc văn hóa của cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô 1-5. (Ảnh: Tư liệu/Tạp chí xây dựng Đảng)

Bên cạnh việc phát triển đại học, Bộ cũng rất chú trọng phát triển các trường trung học chuyên nghiệp. Tính đến tháng 5/1954, miền bắc có 7 trường trung học chuyên nghiệp, đến năm một 1960 đã mở thêm 37 trường trung học chuyên nghiệp gồm 6 khối ngành. Việc gửi lưu học sinh đi học nước ngoài như : Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác tiếp tục tăng cường về quy mô, số lượng ngành nghề đào tạo. Bộ Giáo dục đã chú trọng gửi nhiều thực tập sinh khoa học và nghiên cứu sinh để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Đây là thời kỳ xác định những định hướng lớn, xây dựng được một số trường và ngành đào tạo quan trọng đầu tiên.

Cùng với thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giáo dục đạt được những thành tựu to lớn. Đó là việc chỉ đạo thành công chủ trương chuyển hướng giáo dục thời chiến với quy mô rộng lớn trên toàn miền bắc. Chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện, giáo dục nâng cao phát triển về chất. Phương châm “dựa vào dân”, nhân dân xây dựng và phát triển giáo dục , bảo vệ nhà trường, bảo vệ học sinh đã trở thành truyền thống tốt đẹp và ngày càng phát triển sâu rộng trong thời kỳ đầy cam go của dân tộc.

Ở miền bắc, mỗi ngày hàng triệu học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo vẫn đội mũ rơm, khắc phục muôn vàn khó khăn đến trường học tập giảng dạy. Cùng với phong trào “Cờ Ba nhất”, “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại phong”, phong trào” Ba sẵn sàng”, “Nghìn việc tốt”, phong trào thi đua làm theo lời Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, “tiếng trống Bắc Lý”, và biết bao những tập thể cá nhân anh hùng khác đã trở thành niềm tự hào của giáo dục nước nhà.

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10 nghìn sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo lệnh động viên cục bộ của Nhà nước. (Ảnh: TL)

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10 nghìn sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo lệnh động viên cục bộ của Nhà nước. (Ảnh: TL)

Hàng vạn nhà giáo, sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; 31 đoàn với gần 3.000 nhà giáo đã được Bộ điều động vào chiến trường miền nam ác liệt để cùng với các nhà giáo ở miền nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Miền bắc đã nhường cơm sẻ áo đón nhận hơn 32.000 con em miền nam nuôi, dạy trong 28 trường học sinh miền nam trên đất bắc như những người ruột thịt. Hàng vạn thanh niên tiêu biểu đã được cử ra nước ngoài học tập trở thành những tri thức, nhà khoa học. Tất cả trở thành nguồn lực to lớn góp phần phụng sự kháng chiến thắng lợi, xây dựng Tổ quốc và chuẩn bị cho ngày thống nhất nước nhà.

Tạo sự đổi mới căn bản, mạnh mẽ trong giáo dục

Sau 30 năm chiến tranh, đất nước trọn niềm vui, non sông liền một dải, ngày 11/11/1979, Bộ Chính trị khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục trong điều kiện đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cải cách giáo dục lần này với nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; thống nhất giáo dục trong cả nước, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành giáo dục.

Trong giai đoạn đổi mới, nhất là từ sau triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, sự cố gắng không ngừng của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và của người học, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nếu như năm 1945, số học sinh phổ thông chỉ là hàng nghìn; cứ 1 triệu người mới có 32 người có trình độ học vấn cao đẳng, đại học; hơn 95 % dân số mù chữ, thì ngày nay, cả nước có khoảng  23 triệu học sinh đến trường học tập; hơn 1 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý đến trường giảng dạy.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế xã hội kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng sự quan tâm chăm lo của toàn thể nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, toàn ngành giáo dục đã và đang nỗ lực phấn đấu nhằm tạo được chuyển biến căn bản mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; đáp ứng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Chỉ đạo thực hiện: Lê Hồng Vân
Nội dung: Lê Hà
Trình bày : Ngọc Diệp
Ảnh: TTXVN, Thành Đạt
Nguồn: Báo Nhân Dân, Bộ GD&ĐT