Giám sát là thước đo chất lượng hoạt động hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, các Ban HĐND có nhiều đổi mới, nội dung tập trung vào những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong hoạt động đại biểu dân cử.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Chọn đúng nội dung tổ chức giám sát chuyên đề được xem là yếu tố quyết định về chất lượng công tác giám sát, thì việc xử lý kết quả sau giám sát là thước đo hiệu quả công tác này.

Rất nhiều vấn đề đã được thảo luận, đề xuất, góp ý tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp tỉnh” vừa được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Yêu cầu về chất lượng, hiệu quả hoạt động

Đây là dịp để HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động và tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương, nhất là trong các hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố như tổ chức kỳ họp, thẩm tra, ban hành nghị quyết, giám sát, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của HĐND mỗi địa phương đã góp phần khẳng định vai trò của HĐND đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, nâng cao vị thế của cơ quan dân cử.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực và các ban HĐND sẽ gắn liền với việc tổ chức bộ máy, trong đó vai trò, năng lực, chuyên môn của người đại biểu HĐND cũng sẽ đóng góp rất lớn.

Nhiều đại biểu cho rằng một trong hai vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp tỉnh là nhân tố con người và hoạt động giám sát, xử lý hậu giám sát. Để hoạt động giám sát có hiệu quả cần quan tâm một cách toàn diện ba giai đoạn gồm xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; triển khai thực hiện kế hoạch và kết luận, kiến nghị, đề xuất sau giám sát, theo dõi việc thực hiện kiến nghị giám sát, quy định chế tài nếu không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.

Kết luận giám sát và kiến nghị là phần quan trọng, là biểu hiện tập trung nhất của hiệu quả hoạt động giám sát. Kết luận giám sát phải khách quan, có căn cứ khoa học và thực tiễn, sát đúng tình hình. Phải chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chính sách, pháp luật và đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có những giải pháp để khắc phục.

Nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân mà không kiến nghị biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề thì hiệu quả giám sát chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện trách nhiệm của người giám sát.

Chính vì vậy, cùng với chú trọng khâu chọn vấn đề giám sát, HĐND tỉnh, Thường trực và các Ban HĐND các tỉnh, thành phố luôn chú trọng khâu xử lý kết quả giám sát. Các nội dung giám sát tập trung những vấn đề nóng, nổi cộm tại từng địa phương mà nếu không giải quyết kịp thời sẽ tạo thành “điểm nóng”, và các chính sách mới… Báo cáo nội dung giám sát được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết xử lý kết quả giám sát, giao trách nhiệm cụ thể cho UBND tỉnh, các ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2021, các ban HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề đối với 32 nội dung, trong đó có rất nhiều nội dung “nóng” được đông đảo nhân dân và cử tri quan tâm. Đặc biệt những vấn đề “nóng” về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Thực hiện tốt kiến nghị sau giám sát

Nhiều đại biểu cho rằng, để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, cần chú ý đến ý thức, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát. Đối tượng chịu giám sát cần xem hoạt động giám sát là việc làm bình thường, thường xuyên của cơ quan quyền lực nhà nước và cần tạo điều kiện hợp tác. Nếu đối tượng chịu giám sát cho rằng giám sát là hoạt động “bới lông tìm vết”, “vạch lá tìm sâu”, thờ ơ, thiếu hợp tác sẽ ảnh hưởng hiệu quả giám sát.

Ông Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, công tác giám sát được HĐND tỉnh chú trọng, tổ chức triển khai. “Khâu hậu giám sát được các Ban HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng vì hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát tùy thuộc vào kết quả của việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”, ông Trần Minh Lực nêu rõ.

Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương và những kết qủa đạt được trong hoạt động giám sát, bà Cao Thị Huyền Trân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: Chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát được các Ban HĐND thành phố xây dựng và ban hành kịp thời, cụ thể, lựa chọn xây dựng chương trình, nội dung giám sát phù hợp, đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc, tác động lớn đời sống nhân dân.

“Sau giám sát, chúng tôi có báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị cụ thể, khi cần thiết sẽ kiến nghị HĐND ban hành nghị quyết về giám sát. Đặc biệt tập trung hậu giám sát, tái giám sát đối với đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu các nội dung kết luận, kiến nghị sau giám sát”, bà Trân khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và mỗi đại biểu HĐND cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, “chuẩn bị từ sớm, từ xa” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, theo dõi những đổi mới của Quốc hội để có thể vận dụng, đồng hành phù hợp với mỗi địa phương.

Đồng chí nêu rõ: Đổi mới phải bắt đầu từ con người, tập thể phải đoàn kết, thống nhất cao, mỗi người phải tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, khách quan với công việc, vì cử tri, vì nhân dân. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, “mỗi người luôn xác định nói thẳng, làm thật, nói đi đôi với làm, làm đến nơi đến chốn, không né tránh, qua loa; “đúng vai, thuộc bài”, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, sản phẩm rõ ràng, thuyết phục thì mới khẳng định được vai trò của mình”.