Giẫm chân tại chỗ

Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc Hội nghị khí hậu giữa kỳ của LHQ, vừa diễn ra tại Bonn (Đức), Trưởng đoàn đàm phán Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), Đại sứ Antigua và Barbuda tại LHQ, ông Conrod Hunte cảnh báo: Tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng đến gần bờ vực thảm họa, còn tiến trình ngăn chặn thảm họa vẫn không tiến về phía trước, thậm chí còn thụt lùi!

Biếm họa: HAMZEH HAJJAJ
Biếm họa: HAMZEH HAJJAJ

Sau hội nghị, đại diện quốc gia thành viên giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của AOSIS tiếp tục đăng bình luận trên Twitter: Sau hai tuần thảo luận căng thẳng tại Bonn, vẫn không có gì bảo đảm rằng nguồn tài chính cần thiết sẽ được cung cấp đúng quy mô và tốc độ mà chúng tôi cần. Việc thực hiện các cam kết vẫn lạc bước trên thực tế!

Được kỳ vọng đặt nền móng cho thành công của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới, song cuộc thảo luận tại Bonn đã không có tiến triển thực chất nào. Nguyên do vẫn là bất đồng dai dẳng giữa các nhóm nước phát triển và đang phát triển. Cụ thể là tranh cãi bên nào chịu trách nhiệm lớn hơn về giảm khí thải và các nước giàu hỗ trợ tài chính thế nào cho các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu? 

Các thành viên AOSIS thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất và cũng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tiến trình đàm phán chậm chạp. Theo LHQ, trong hai thập niên gần đây, 20 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất đã thiệt hại khoảng 525 tỷ USD, bằng 20% tổng giá trị tài sản của họ, do tình trạng ấm lên toàn cầu. Đại sứ Conrod Hunte chỉ rõ, cả 39 thành viên AOSIS vẫn chưa nhận được bảo đảm hay cam kết nào về việc hỗ trợ tài chính đáng kể và nhanh chóng. 

Thừa nhận “có khoảng trống” trong việc cấp tài chính cho các nước dễ bị tổn thương, song các nước giàu vẫn không thúc đẩy, thậm chí ngăn cản thảo luận về cơ chế tài chính mới. Còn chưa đầy năm tháng nữa là đến COP27, các cuộc đàm phán thì vẫn “giẫm chân tại chỗ”, nhất là trong vấn đề hỗ trợ tài chính, bù đắp tổn thất ngày càng lớn do tình trạng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.