Giải trình có trọng tâm

Gần đây, nhằm tăng cường minh bạch thông tin, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã gia tăng các yêu cầu về công bố thông tin (CBTT), chẳng hạn như công khai số liệu tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK) hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải giải trình nếu cổ phiếu (CP) tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp.

Nhà đầu tư cần thông tin minh bạch từ các công ty chứng khoán. Ảnh: SONG ANH
Nhà đầu tư cần thông tin minh bạch từ các công ty chứng khoán. Ảnh: SONG ANH

Cần biết rằng, mỗi khi các cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán (TTCK) mà như đã nói ở trên là tính minh bạch thì cũng kèm theo đó những ý kiến phản biện để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, phản biện để xây dựng khác với việc “bàn lùi”, tức là chỉ nhìn thấy những hạn chế mà không thấy tính tích cực hoặc chỉ chê bai mà không đưa ra giải pháp. Thí dụ, như việc HNX yêu cầu DN giải trình là rất tích cực, nhưng có ý kiến cho rằng việc này khó hiệu quả vì DN có thể chỉ giải trình chiếu lệ kiểu “diễn biến CP theo cung cầu của thị trường còn DN vẫn hoạt động bình thường”.

Ý kiến trên là phù hợp nếu xét trong lịch sử đã có một số DN giải trình chiếu lệ và chưa thỏa mãn được nhu cầu thông tin và các cổ đông. Nhưng sẽ hợp lý hơn nếu làm rõ khái niệm “giải trình” ở đây để buộc các DN phải có trách nhiệm. Trước tiên, cần phải biết rằng tại nhiều TTCK lớn trên thế giới, cơ chế giải trình bắt buộc, cũng tương tự như cách HNX đang làm, là khá phổ biến. Hệ quả là gì, DN sẽ phải liên tục giải trình sẽ tạo ra sức ép phải minh bạch thông tin và đồng thời hạn chế luôn ý định trục lợi thông tin để làm giá CP.

Một khía cạnh khác cần bàn ở đây chính là nhà đầu tư (NĐT) hay các cổ đông phải có sự cộng tác với các cơ quan quản lý trong việc phản biện, thậm chí giám sát các giải trình của DN. Chẳng hạn, nếu DN giải trình không hợp lý liên quan đến hoạt động của DN, hoặc có điều gì khuất tất, khiến giá CP biến động, cổ đông có thể phản ánh trực tiếp với chính DN, ở bộ phận quan hệ cổ đông, đến cơ quan quản lý hoặc gửi đến các cơ quan báo chí. Một điều chắc chắn rằng, nếu có “tiền lệ” như trên được thiết lập. Nghĩa là các cổ đông của một DN nào đó bày tỏ thái độ không hài lòng với giải trình của DN, yêu cầu làm lại, làm rõ chắc chắn sẽ tạo những thông lệ tích cực về sau để không còn việc DN công bố một cách qua loa, chiếu lệ cho xong chuyện. 

Nói tóm lại, giải pháp của cơ quan quản lý sẽ phát huy hiệu quả tối đa, khi có sự phản biện, xây dựng của các chuyên gia và sự hưởng ứng, hành động chung tay từ phía các NĐT và cổ đông.