Gỡ nút thắt cho phim nhà nước đặt hàng

Một thời gian dài, phim Nhà nước đặt hàng được mặc định dành cho các hãng phim Nhà nước, và đó chính là một trong những nguyên nhân làm giảm sức lan tỏa của dòng phim đặc thù này. Với dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp, thì các hãng phim nhà nước và tư nhân đều sẽ có cuộc cạnh tranh bình đẳng, với kỳ vọng tháo gỡ "nút thắt" đang làm nghẽn dòng đầu tư rất ý nghĩa này, góp phần tạo sinh khí mới cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.

Vướng từ quy định

Với quy định việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện theo yêu cầu của Nhà nước ở từng thời kỳ, dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) đã thể hiện sự thay đổi khá căn bản trong quan điểm sản xuất phim Nhà nước. Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Ðiện ảnh) cho biết, Luật Ðiện ảnh hiện hành chỉ quy định nhà nước đặt hàng phim về các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc. Do đó, tình trạng kéo dài trong nhiều năm qua là muốn làm phim đặt hàng thì các tác giả, các hãng chỉ nhắm tới bốn đề tài được nêu trong Luật, triển khai từ khâu thẩm định đến sản xuất.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều thứ đã thay đổi. Dẫn chứng là tại thời điểm này, cuộc sống đang chịu tác động to lớn từ đại dịch Covid-19. Vậy để làm một bộ phim về đề tài chống dịch Covid-19 thì liệu có được không? Lâu nay ngành điện ảnh tự "trói mình" trong khuôn khổ hẹp như vậy. Ðiều này dự kiến sẽ được thay đổi trong thời gian tới với sửa đổi là quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo yêu cầu của nhà nước trong từng thời kỳ", theo ông Vi Kiến Thành.

Dù Luật Ðiện ảnh hiện hành không "đóng" với hãng phim tư nhân, nhưng nhiều năm nay hầu hết những phim sử dụng ngân sách nhà nước đều được giao cho hãng phim nhà nước (đã được cổ phần hóa). Nhà sản xuất phim được quy định chọn theo Luật Ðấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này vẫn chưa thể áp dụng, bởi suốt nhiều năm, Cục Ðiện ảnh không thể hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo Thông tư hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim.

Theo lý giải của các nhà soạn thảo, khi bắt tay vào làm phim sẽ thấy quy định đấu thầu trong điện ảnh vướng nhiều bất cập. Bởi trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, không chỉ riêng trong điện ảnh, nếu chỉ căn cứ vào giá thành bỏ thầu, rồi chấm thầu cho đơn vị đưa giá rẻ nhất thì không làm được.

Mở rộng cánh cửa

Dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) cũng nêu một trong những bất cập của Luật Ðiện ảnh hiện hành: "Quy định về đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải thông qua hình thức đấu thầu không thực hiện được với lý do bản chất sản xuất phim không giống như công đoạn sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường. Vì vậy, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã hoàn thành dự thảo lần thứ 8 của Thông tư hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng vẫn không thể thông qua để ban hành".

Hiện nay, mỗi năm Nhà nước cấp kinh phí tối đa cho ba phim truyện điện ảnh (10 - 15 tỷ đồng/phim). Quy định đấu thầu phim nhà nước dù hướng đến mục đích là tạo bình đẳng giữa hãng phim nhà nước và tư nhân trong việc tiếp cận với các dự án phim nhà nước đặt hàng, nhưng trên thực tế việc triển khai khá gập ghềnh. Chính các nhà làm phim đều không mong muốn "đứa con tinh thần" của mình được đưa lên bàn cân để cân, đong, đo, đếm. Quy định mới về các hình thức sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước, vì thế, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ thêm một "nút thắt", khơi thông dòng chảy cũng như tạo sức lan tỏa cho thể loại phim đặc thù này. Các hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu sẽ mở ra cánh cửa rộng hơn để các hãng phim nhà nước và tư nhân cùng cạnh tranh bình đẳng, mà chắc chắn tiêu chí hàng đầu hướng đến sẽ là chất lượng nghệ thuật và mục tiêu phục vụ khán giả.

Không chỉ vướng trong quy định chọn đơn vị sản xuất, lâu nay phim sử dụng ngân sách nhà nước còn bị bó buộc bởi những cách nhìn khô cứng, đóng đinh với các nhóm đề tài mang tính mặc định. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời đại công nghệ số, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhu cầu thưởng thức điện ảnh của người dân ngày càng phát triển và đa dạng hóa, phim Nhà nước đặt hàng vì vậy ngoài việc tháo gỡ những nút thắt về cơ chế cũng cần thay đổi mạnh mẽ để vươn ra thị trường, phục vụ thị hiếu người xem.

Bên cạnh đó, một trong những điểm yếu chung của cả nền điện ảnh mà các nhà làm phim trong nước đều nhìn nhận là sự khan hiếm kịch bản tốt. Ðã có một thời gian dài việc remake kịch bản nước ngoài từng thành công được cho là giải pháp "cứu cánh" để khỏa lấp khoảng trống này. Cải thiện tình trạng đó, năm 2020, Cục Ðiện ảnh đã phát động cuộc thi viết kịch bản và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Năm nay, theo kế hoạch Cục sẽ tổ chức cuộc thi kịch bản phim tài liệu với thời lượng 60 phút trở lên, kịch bản phim hoạt hình từ 90 phút trở lên. Thế giới đã có nhiều phim tài liệu, hoạt hình thời lượng dài, nhưng Việt Nam chỉ chủ yếu sản xuất phim tài liệu 20-30 phút; phim hoạt hình cũng rất hạn hẹp về thời lượng, dẫn đến sự hạn hẹp về đề tài, chiều sâu khai thác và đối tượng hướng đến. Hai nội dung thi sáng tác kịch bản nói trên được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục điểm hạn chế cốt tử của nền điện ảnh nước nhà, tạo tiền đề căn bản nâng chất các tác phẩm điện ảnh nói chung, điện ảnh theo đơn đặt hàng của nhà nước nói riêng. 

Mộc Thanh