Giải quyết những rào cản

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Sau bốn năm, thực tế cho thấy còn không ít rào cản, đòi hỏi những giải pháp cụ thể và phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề làm bánh đa Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng
Làng nghề làm bánh đa Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Vẫn loay hoay lựa chọn sản phẩm

Từ mô hình thành công tại Quảng Ninh, sau bốn năm, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai Chương trình OCOP. Ngoài những địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển chiều sâu như Quảng Ninh, Hà Nội, không ít địa phương tích cực triển khai và nhanh chóng đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở những khu vực còn khó khăn. Tính đến nay, cả nước có hơn 5.000 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng ba sao trở lên. Hiện, Hội đồng OCOP quốc gia công nhận 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho hơn 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động...

Tuy nhiên, là một chương trình mới, liên quan nhiều lĩnh vực, đặc biệt yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, do đó, giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Nhiều nơi mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Một số nơi có hiện tượng "xuê xoa" trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Tuyên Quang có 209 sản phẩm tham gia nhóm sản phẩm OCOP (giai đoạn 2021-2025), nhưng nhiều xã chọn lựa mang tính đại trà, có sản phẩm đang đứng trước nguy cơ "biến mất" trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, như trường hợp sản phẩm Chuối Kiến Thiết ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Tỉnh lựa chọn các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đầu tư theo giai đoạn. Hiện chúng tôi tiếp tục rà soát lại các sản phẩm đã đăng ký, đối với những sản phẩm không còn là chủ lực có thể thay thế".

Tỉnh Lâm Đồng có hơn 170 nghìn ha cà-phê, và sản phẩm cà-phê tham gia Chương trình OCOP là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại trùng lắp nhiều thương hiệu cà-phê khác trong cùng tỉnh Lâm Đồng, và "va" các sản phẩm của Đắk Lắk, Kon Tum… Mấy năm trở lại đây, giá cà-phê liên tục giảm, nhiều thành viên hợp tác xã, nông hộ quay lưng, phá bỏ các liên kết để sản xuất và tiêu thụ tự do theo thị trường, địa phương phải tìm sản phẩm khác để thay thế.

Huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế

Trong quá trình thực hiện, một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa chú trọng đúng mức lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Điều này phần nào mâu thuẫn với chính mục tiêu của chương trình. Bởi thế theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội, các địa phương phải tiến hành cẩn trọng công tác lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương; từ đó, cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ thực chất hơn đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Còn ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, cho biết, Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng, miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai Chương trình giai đoạn 2018-2020, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tích cực tập trung xây dựng sản phẩm phù hợp tiềm năng và lợi thế của các địa phương, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương; các trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm gắn với chương trình khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của các chủ thể.

Các địa phương cần phải đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp tục hoàn thiện và mở rộng mạng lưới sản phẩm khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ để thực hiện các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm OCOP phát huy được các giá trị của cộng đồng, đặc biệt về chất lượng, đồng thời góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với thương hiệu của địa phương.

Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo "sức bật" cho kinh tế nông thôn. Bởi vậy, cùng với các giải pháp khắc phục những khó khăn, phát huy những cách làm tốt, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và thương mại sản phẩm OCOP để xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ ba sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phấn đấu có ít nhất 40% số chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% số chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP...