Giải pháp cho một thách thức lớn

Đã có nhiều quy định được ban hành ở nhiều cấp như: luật, nghị định, thông tư, quyết định, quy chuẩn, tiêu chuẩn; vậy nhưng, vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, việc tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại một tuyến phố ở phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: EVN
Lắp đặt đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại một tuyến phố ở phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: EVN

SONG song với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng ở mức cao, chỉ đứng sau Brunei trong khu vực Đông Nam Á, và cao hơn 25% trung bình khu vực.

Thống kê từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, tổng nhu cầu năng lượng tăng trung bình 10% trong giai đoạn 2001-2010, và tăng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Cùng với đó, Việt Nam đã phải nhập khẩu ròng than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023. Điều này đồng nghĩa chúng ta trở thành quốc gia phụ thuộc nguồn năng lượng sơ cấp từ nước ngoài. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

DỰ báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng ở mức khoảng 8,5%/năm. Thế nhưng, theo kết quả đánh giá của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025 (không xét năng lượng tái tạo) chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023, và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền bắc, tỷ lệ dự phòng đến năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền bắc dường như có rất ít công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung-cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Các khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện turbine hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28%-36%, thấp hơn các nước phát triển khoảng 8-10%; hiệu suất lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào thời điểm hiện nay, nhưng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta gấp 1,3-1,6 lần các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt từ 20-30%. Nhưng để tiềm năng này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ phải triển khai rất nhiều công việc, giải pháp từ nay đến năm 2030.

PHÁT biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 vừa diễn ra cách đây ít ngày, qua câu hỏi: làm thế nào để Chương trình mục tiêu quốc gia, để Luật thật sự đi vào cuộc sống? - Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An đã nêu ra những trăn trở về thực trạng và khó khăn trong quá trình triển khai thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam Đào Xuân Lai nhấn mạnh: "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là một trong những lĩnh vực cốt lõi của quá trình chuyển dịch năng lượng, vì vậy rất cần sự nỗ lực của "toàn bộ nền kinh tế" và tất cả các ngành, nghề".

Ngoài tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng, hệ thống lưới điện truyền tải, theo các chuyên gia, để sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, việc xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ sử dụng năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bằng cách nâng cao trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất, hạn chế tiêu hao… là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả chính là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung cho hệ thống năng lượng và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu - các chuyên gia nhấn mạnh.