Giải pháp cho đầu ra nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Chiều 9-11, tại Vĩnh Long, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc.  

Các doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ vào chiều 9-11.
Các doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ vào chiều 9-11.

Hội nghị thu hút hơn 130 doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố của cả nước tham dự, với hàng trăm mặt hàng tiêu biểu của các vùng, miền tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Đây là chương trình thuộc đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới và của nước ta, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các địa phương và doanh nghiệp nên nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào trạng thái tăng trưởng âm như nhiều trong khu vực và trên thế giới…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đạt 450.755 tỷ đồng, tăng 2,41% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng may mặc, đồ dùng trang thiết bị gia đình có mức tăng cao nhất (tăng lần lượt 3,11% và 2,79%); tiếp đến là các nhóm lương thực, thực phẩm, phương tiện đi lại, lưu trú ăn uống (tăng từ 1,68-2,16%). Riêng các nhóm văn hóa phẩm, giáo dục và du lịch giảm lần lượt 1,5% và 0,1% do nhu cầu các mặt hàng này giảm sau thời gian khai giảng và hết nghỉ hè.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 10 tháng đầu năm đạt 4.122.964 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 5,44% so với cùng kỳ năm 2019, Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đây được cho là kết quả tích cực. 

Giải pháp cho đầu ra nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long -0
Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại hội nghị. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết: “Hội nghị góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, là cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền đến với thị trường trong và ngoài nước.

Dịp này, các doanh nghiệp đã ký 26 bản ghi nhớ nhằm kết nối cung cầu hàng Việt Nam với các sản phẩm giữa các vùng miền trong cả nước. 

Sáng cùng ngày, tại TP Vĩnh Long, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển đầu ra cho nông sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNN), lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và đại diện lãnh dạo các doanh nghiệp, các HTX trong và ngoài tỉnh.

Theo Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trước thềm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EU - EVFTA). EVFTA đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1-8-2020.

Trong năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 56,4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD. Đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, EU là thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 15%, Trung Quốc (21%). EU cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về rau quả và một số sản phẩm nông, thủy sản chế biến khác của Việt Nam xuống 0%.

Tuy nhiên, rào cản vẫn là vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu từ 0-5% cho các nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp dành cho sản xuất nông nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp nước ta. Cắt giảm thuế cũng làm gia tăng sức ép đối với nhà sản xuất trong nước về cam kết an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và vệ sinh ATTP,…

Các đại biểu của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra, có đến 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là các chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm (ATTP) việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và cá nhân, cung cấp các giải pháp ứng dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vạch, mã QR cho sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất đang được các địa phương thực hiện nhưng chưa rộng khắp.

Các hệ thống sản xuất nông sản thực phẩm ở các tỉnh, thành trong vùng, nhất là các hộ gia đình nông nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hầu như không thể bảo đảm các điều kiện cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định; Khó khăn trong phối hợp quản lý ATTP giữa địa phương sản xuất và địa phương tiêu thụ cũng là rào cản tiêu thụ nông sản.