Giải pháp cấp bách

Một loạt giải pháp cấp bách đã được đưa ra với quyết tâm cao độ và thiện chí của các bên. Theo đó, thắp lên hy vọng cải thiện các mối quan hệ song phương đang đối mặt nguy cơ “già néo đứt dây”; làm giảm các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống với nhiều quốc gia.

Tổng thống Pháp (bên phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhất trí hàn gắn quan hệ song phương.
Tổng thống Pháp (bên phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhất trí hàn gắn quan hệ song phương.

1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đang ở thăm Thủ đô Paris, theo đó đồng thuận về những cơ hội giúp khôi phục lòng tin và tăng cường hợp tác giữa Paris và Washington. Hai bên cũng trao đổi về kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong tháng 10 này.

Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tranh cãi liên quan thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS). Thỏa thuận mới được ký kết này đã dẫn tới việc Canberra rút khỏi hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký với một công ty của Pháp. Pháp đã phản ứng khá gay gắt với thỏa thuận AUKUS, cho rằng đây là “sự bội tín” của Mỹ.

2 Tuần qua, “Hồ sơ Pandora” đã trở thành “cơn sóng thần” đe dọa giới siêu giàu và nhiều quan chức cấp cao trên thế giới, khi Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp khoảng 150 tờ báo điều tra và công bố một khối tài liệu tài chính lớn kỷ lục. “Hồ sơ Pandora” bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài, điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú, cùng nhiều người nổi tiếng, thành viên hoàng tộc và lãnh đạo tôn giáo trên phạm vi toàn cầu. Hồ sơ cũng chỉ ra nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài.

Ngay lập tức, giới chức nhiều nước bác bỏ việc che giấu tài sản và gọi những gì được nêu trong “Hồ sơ Pandora” là những cáo buộc thiếu căn cứ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra của một số nước, trong đó có Ấn Độ và Mexico, đã khởi động điều tra đối với những công dân có tên trong hồ sơ này. Nhiều nước cho biết sẽ thận trọng tìm hiểu để bảo đảm minh bạch tài chính và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Giải pháp cấp bách -0Châu Phi kêu gọi các nước giàu hỗ trợ khẩn cấp vaccine phòng Covid-19.

3 Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy Liên hiệp châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ đối mặt một mùa đông lạnh giá, nhóm các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã họp bàn tìm giải pháp ổn định giá năng lượng. Hiện các quốc gia EU phải đối mặt giá khí đốt và giá điện tăng cao kỷ lục. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, châu Âu sẽ bị thiếu khí đốt nghiêm trọng trong mùa đông tới.

Cao ủy EU về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh: Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra một loạt các biện pháp để giúp các nước thành viên đối phó với giá năng lượng tăng. Theo đó, EU sẽ ký kết các hợp đồng chung mua khí đốt, lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của khối, đồng thời tách giá điện khỏi giá khí đốt, triển khai các biện pháp cụ thể để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó chi phí năng lượng tăng cao.

4 Trong một bức thư ngỏ do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khởi xướng, nhiều người châu Phi nổi tiếng kêu gọi các nước giàu hỗ trợ khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 cho các nước nghèo ở châu Phi. Bức thư cũng được gửi tới đại diện của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Những người ký tên vào bức thư chỉ ra rằng chưa tới 4% dân số ở châu Phi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu là hơn 70%. Sự khác biệt này là không công bằng và phản tác dụng, khiến châu Phi và cả thế giới đứng trước sự tàn phá của dịch bệnh, đồng thời có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn.

Các nước giàu đã cam kết tài trợ hơn 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 cho châu Phi trong năm nay và hàng trăm triệu liều khác vào năm 2022 cũng như giúp châu lục này tự sản xuất vaccine. Tuy nhiên, hầu hết những lời hứa này chưa được thực hiện. Do đó, các nước châu Phi khẩn thiết kêu gọi các nước giàu cung cấp khẩn cấp các loại vaccine phòng Covid-19 giúp “lục địa đen” đẩy lùi đại dịch.

ĐÔNG ĐÔ